Một người phụ nữ 28 tuổi ở Quảng Ninh có thói quen ăn bún bò tái kèm rau sống hàng tuần. Gần đây, chị hay đau bụng, đại tiện phân lỏng, ngứa hậu môn, đôi khi sán tự ra đường hậu môn, đi khám phát hiện nhiễm sán dây bò.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Quốc Tuấn, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết nếu ăn thịt có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín hoặc sống, nang ấu trùng sẽ vào ruột người.
Sau đó, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, sán bám vào niêm mạc ruột. Tại đây, sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển. Sán dây bò có thể sống từ 20-30 năm ký sinh cùng bệnh nhân, kích thước có thể dài tới 4-12m.
Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hoá..., gây ra các triệu chứng cho người bệnh như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu, thậm chí hạ huyết áp... Nhóm bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán xâm lấn (tới não, mắt, cơ, bắp, tim) có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm sán dây bò chiếm 70-80% tổng số ca sán dây, số còn lại là sán dây lợn. Nguyên nhân bệnh nhân nhiễm sán dây bò hoặc sán dây lợn là do ăn thịt bò, lợn tái, sống có ấu trứng sán còn sống, nở thành sán trưởng thành ký sinh trong ruột non.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân vệ sinh cá nhân, ăn uống sạch sẽ, “ăn chín, uống sôi”, không nên ăn các thực phẩm (rau, củ, thịt bò, thịt lợn,…) tái hoặc sống; lưu ý các triệu chứng khi nhiễm sán (đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, gầy sút cân…) để được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên khoa, tránh mầm bệnh lây lan cho cộng đồng.
Hoàng Linh