- Hiện không có quy định nào vận động bầu cử qua mạng - Phó chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Văn Pha trao đổi với VietNamNet sáng nay, bên lề hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở TƯ.
>> Không dựng rào cản để sàng lọc người tự ứng cử
Theo ông Nguyễn Văn Pha, vận động bầu cử qua mạng xã hội là việc của các ứng cử viên. Pháp luật không cấm cũng chưa quy định.
Phó chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha |
“Tuy nhiên theo tôi không nên vận động bầu cử qua mạng. Việc vận động bầu cử phải theo quy định của pháp luật, phải qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức”, ông Pha nhấn mạnh.
Kê khai tài sản
Hướng dẫn tại hội nghị, ông Pha cho biết, trong hồ sơ ứng cử của các ứng cử viên ĐBQH khóa 14 phải có bảng kê khai tài sản thu nhập theo quy định của luật Phòng chống tham nhũng.
Bản kê khai tài sản cụ thể phải theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia. Bất cứ ai khi kê khai tài sản đều phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung của bản kê khai đó, bản kê khai này không phải xong bầu cử là xong mà theo người đó hết cả nhiệm kỳ.
“Nếu có khiếu nại, tố cáo của cử tri về việc kê khai tài sản thu nhập của ứng cử viên thì MTTQ sẽ yêu cầu xác minh theo quy trình đã được luật quy định rõ ràng. Nếu có vấn đề mới xác minh, nếu không thì cứ lưu vào hồ sơ. Chúng ta phải tin người ứng cử”, ông Pha nói
Không nhất thiết chỉ giới thiệu cấp trưởng
Theo Phó chủ tịch MTTQ VN, cơ quan TƯ chỉ giới thiệu mỗi cơ quan 1 ứng viên. Hiện không có quy định cơ quan, tổ chức phải giới thiệu người đứng đầu. Vì vậy, các cơ quan không nhất thiết phải giới thiệu người đứng đầu và có thể giới thiệu cấp phó hoặc người tiêu biểu, đại diện của cơ quan mình.
Riêng các bộ và 5 tổ chức chính trị xã hội mà người đứng đầu không tham gia Ban chấp hành TƯ nữa, khi giới thiệu ứng cử ĐBQH phải được Bộ Chính trị, Ban bí thư đồng ý.
Ông Pha cũng lưu ý đến điều kiện sức khỏe của người ứng cử để lựa chọn người có khả năng trúng cử cao, tham gia được cả nhiệm kỳ QH.
“Như kỳ trước có trường hợp các cơ quan, tổ chức giới thiệu người nhiều tuổi quá nên khi tiếp xúc không đảm bảo sức khỏe cuối cùng bị trượt. Vì vậy, cấp trưởng không đủ sức khỏe thì có thể giới thiệu cấp phó”, ông Pha dẫn chứng.
Theo quy trình, việc giới thiệu người ứng cử qua 3 bước. Đầu tiên ban lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức họp dự kiến người ứng cử. Sau đó lấy ý kiến của cử tri tại nơi làm việc và nơi cư trú và tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận giới thiệu người ứng cử.
QH khóa 13 có 15 ứng cử viên được TƯ phân bổ về địa phương không trúng cử, trong đó khối MTTQ có 7/31 người, khối cơ quan nhà nước có 8/183 người.
Lo lắng về việc này, ông Trần Tình, Phó chủ tịch TƯ Hội Khuyến học VN kể: Chúng tôi giới thiệu người tiêu biểu, nhưng nhiều tuổi nên khi đi tiếp xúc thì nhiều người cứ bảo, các cụ già rồi nên nghỉ để cho lớp trẻ làm.
Ông cũng đề nghị MTTQ khi phân bổ ứng cử viên về địa phương nên chọn nơi phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Pha trấn an, việc trúng cử phụ thuộc vào uy tín, khả năng vận động của người ứng cử và lá phiếu của cử tri chứ MTTQ không có thẩm quyền “can thiệp” việc phân bổ địa bàn ứng cử cũng như khả năng trúng cử.
Ông Pha cho biết, chậm nhất ngày 13/3 các ứng viên phải hoàn thành hồ sơ ứng cử ĐBQH.
1 ứng cử viên đại diện cho kiều bào Đại
sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao, nguyên đại sứ ở một số nước
như Nhật Bản, Hàn Quốc được giới thiệu làm ứng cử viên đại diện cho Hội Liên lạc
với người Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, trong thời gian qua, 4,5 triệu người VN ở nước ngoài là bộ phận không nhỏ đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc, bảo vệ tổ quốc. Vì vậy, họ cần có người đại diện có tiếng nói trên diễn đàn QH. |
Thu Hằng