Tính đến ngày 8/3/2019, với mức giá 118.000 đồng/cổ phiếu, tập đoàn Vingroup được xem là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán với giá trị vốn hóa 380.441 tỷ đồng. Thương hiệu Vingroup len lỏi khắp nơi trên đất nước Việt Nam từ chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart +, khách sạn Vinpearl, bệnh viện Vinmec, trung tâm thương mại Vincom cho đến xe ô tô Vinfast.
Cách đây vài ngày, tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2019. Việt Nam có 5 đại diện góp mặt, trong đó dẫn đầu là ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup với tài sản 6,6 tỷ USD.
Trên bảng xếp hạng của Forbes, ông Vượng xếp thứ 239, giàu hơn cả Tổng thống Mỹ Donald Trump (3,1 tỷ USD), cựu CEO Uber Travis Kalanick (5,8 tỷ USD) và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Đây là năm thứ 7 liên tiếp người đứng đầu Vingroup có tên trong danh sách này. Năm ngoái, ông Vượng sở hữu tài sản 4,3 tỷ USD và là người giàu thứ 499 trên thế giới.
"Người Việt chúng ta rất coi trọng vấn đề ăn uống và dĩ nhiên nấu ăn ngon", tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Thái Hà Books từng nhận xét trong một bài viết cách đây khá lâu.
Theo ông, ở Việt Nam khi yêu quý nhau, thân thiết với nhau, ta hay rủ nhau đi ăn. Mới quen thì cà phê. Thân thì mời nhau về nhà. Đối với các doanh nghiệp, nhiều khi hợp đồng được thống nhất trên bàn ăn, thậm chí đôi khi các doanh nhân đặt bút ký khi chuẩn bị hay trong bữa tiệc.
Chính vì ăn uống quan trọng nên trong dịp Tết, chúng ta hay biếu nhau rượu, bánh, trái cây. Trên bàn thờ gia tiên luôn có đồ ăn. Nhiều gia đình đến nay vẫn giữ thói quen nấu thức ăn nóng, mới mỗi ngày để cúng các cụ trong mấy ngày Tết.
Vì ăn uống rất quan trọng nên người Việt đầu tư nhiều vào ăn uống. Nhiều gia đình ngày nghỉ cuối tuần chỉ quanh quẩn trong bếp lo món ăn hay đi chơi cũng nghĩ xem ăn gì, ở đâu, với ai.
Vấn đề ăn uống đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Quán ăn, nhà hàng có mặt khắp mọi nơi. Món ăn Việt rất ngon. Mỗi vùng miền lại có những đặc sản, những món ăn đặc trưng. Đi đâu chúng ta cũng tìm cách nếm thử những món ăn địa phương, đặc biệt.
Tiến sĩ Hùng còn chia sẻ câu chuyện của một người bạn là doanh nhân người Anh tên Anthony. Anh này đã có một câu hỏi và cũng là kết luận khiến ông bất ngờ - COM PHO là tập đoàn lớn nhất Việt Nam. Phải đến khi người bạn anh viết ra giấy, ông mới hiểu ý Anthony nói gì.
"Đâu đâu cũng thấy biển hiệu với hai chữ "Cơm Phở" nên Anthony nghĩ rằng đây là một thương hiệu, một doanh nghiệp. Anh còn phân tích rất hùng hồn rằng doanh nghiệp "COM PHO" này có mặt khắp nơi. Rằng ở đâu cũng có văn phòng, chi nhánh của COM PHO. Rằng "hãng này" xuất hiện trên tất cả những nơi anh từng có mặt, bất kể thành thị hay nông thôn, bất kể thành phố lớn hay vùng quê hẻo lánh", tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại.
Không chỉ là chuyện đùa của người sáng lập Thái Hà Books, không ít doanh nhân đã và đang đặt kỳ vọng lớn vào món phở.
Đầu tiên phải nói đến thương hiệu Phở 24 của doanh nhân Lý Quí Trung. Cửa hàng đầu tiên của Phở 24 được mở năm 2003 và là thương hiệu đầu tiên đưa tô phở Việt Nam từ quán bình dân vào nhà hàng máy lạnh một cách bài bản. Tuy nhiên đến năm 2012, Phở 24 được chuyển giao cho công ty Việt Thái Quốc Tế (chủ thương hiệu cà phê Highland) và sau được bán nửa cổ phần cho Jollibee của Philippines.
Vài năm sau sự kiện chuyển giao ồn ào của Phở 24, một doanh nhân Việt Kiều có tên Huy Nhất lại đặt kỳ vọng lớn vào món ăn này. Năm 2015, công ty của ông Huy (Huy Việt Nam) trở thành nhân tố gây đột biến trên thị trường F&B nội địa với các chuỗi cửa hàng thương hiệu Phở Ông Hùng, Món Huế và Cơm Thố Cháy, tăng từ 14 cửa hàng giữa năm 2014 lên con số 110 vào cuối năm 2015.
Hoặc một doanh nhân khác là ông Hoàng Khải cũng từng nhận định thị trường phở có tiềm năng rất lớn, cả ở thị trường quốc tế. "Phở Việt Nam nổi danh hàng trăm năm nay rồi. Vậy nên, người đi du lịch tới Việt Nam cũng biết phở. Người Việt ở nước ngoài kinh doanh thì họ cũng mở cửa hàng phở. Hàng trăm năm nay, phở đã có marketing tự nhiên trong cuộc sống", ông Khải nhận xét. Và phở ông Khải ra đời giữa tháng 6 năm 2017.