Trao đổi với VietNamNet, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM xác nhận kết quả xét nghiệm 15 mẫu bánh mì, chả lụa liên quan đến những ca ngộ độc botulinum gần đây đều âm tính, không phát hiện vi khuẩn C. botulinum.

Các mẫu xét nghiệm gồm bánh mì, chả lụa còn lại của người ăn và lấy từ người bán, cơ sở sản xuất. 

Theo bà Lan, hiện chưa thể xác nhận nguồn gây ngộ độc botulinum cho các bệnh nhân vừa qua là từ đâu. Còn bào tử vi khuẩn C. botulinum đều có trong đất, cát, nước và sinh ra độc tố trong môi trường yếm khí. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: GL.

Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay, thời điểm ghi nhận 3 bệnh nhi ở TP Thủ Đức nhiễm độc botulinum, đơn vị này chỉ có đầu mối là các em đã ăn bánh mì chả lụa. Từ đó, tìm được người đàn ông bán bánh mì chả lụa. Người này khai đã mua chả lụa của một phụ nữ bán rong.

Vài ngày sau, cơ quan chức năng mới tìm được người phụ nữ và có thông tin về cơ sở sản xuất chả lụa trên địa bàn TP Thủ Đức. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng xác định cơ sở này hoạt động không phép và yêu cầu dừng hoạt động. Đồng thời, lấy mẫu chả lụa từ cơ sở, mẫu thức ăn thừa của các bệnh nhân đưa đi xét nghiệm. 

“Trước nay, ngộ độc thực phẩm thường gặp là các khuẩn như E.coli... gây rối loạn đường tiêu hóa, tiêu chảy, đau bụng. Còn độc tố botulinum nguy hiểm hơn mà chưa xác định được từ đâu. Vì vậy, cần nhất lúc này là các bệnh viện sẵn sàng thuốc giải để khi có ngộ độc botulinum sẽ có thuốc cấp cứu ngay”, bà Lan nói. 

Một trong 3 anh em ruột ngộ độc botulinum tại TP.HCM. Ảnh: BVCC.

Khai thác thông tin cho thấy, 5/6 bệnh nhân ngộ độc botulinum tại TP.HCM có ăn bánh mì chả lụa được bán rong. Chả lụa này được bọc trong bao nilon và lá chuối, bị chảy nước. Sau khi ăn 1 ngày, người bệnh có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, nhìn đôi, yếu cơ dần... Quá trình điều trị, một số bệnh nhân phải thở máy do suy hô hấp, liệt cơ. 

Trường hợp ăn thực phẩm khác là người đàn ông 45 tuổi, điều trị ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ông đã ăn một loại mắm để lâu ngày. Kết quả xét nghiệm mẫu phân của bệnh nhân cho thấy có vi khuẩn C. botulinum type A. Người bệnh tử vong sau hơn 10 ngày điều trị, không kịp truyền thuốc giải.