Chậm mở bay quốc tế, mất lợi thế cạnh tranh

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay Bộ này kiến nghị mở lại 9 đường bay quốc tế thường lệ từ giữa tháng này.

Trước nhu cầu về nước tăng cao của người dân, đặc biệt dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán, cũng như lượng lớn người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để làm việc, đầu tư, sản xuất kinh doanh và du lịch, kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ của Bộ GTVT đã có sự điều chỉnh.

Nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất trên, thời gian mở lại đường bay quốc tế sẽ sớm lên nửa tháng (từ giữa tháng 12, thay vì quý I/2022), chỉ chia làm 2 giai đoạn thí điểm (thay vì 3 giai đoạn như trước), thị trường cũng có sự thay đổi cho phù hợp, như bổ sung mở lại ngay đường bay thường lệ tới Mỹ.

{keywords}
Ban đầu, các chặng bay trên có tần suất 4 chuyến/tuần/chiều, dự kiến đón khoảng 14.000 khách/tuần.

Đặc biệt, trước phản ánh của dư luận và ý kiến của nhiều chuyên gia, sau khi xem xét, thảo luận với các bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT đề xuất bỏ yêu cầu phải cách ly tập trung 7 ngày với hành khách đã tiêm đủ 2 liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, chỉ cần kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.  

Mở lại đường bay quốc tế thường lệ đồng nghĩa với việc mở cửa rộng hơn để đón khách du lịch quốc tế. Bởi sau khi thí điểm, ban đầu chủ yếu là các chuyến bay charter (thuê chuyến), lượng khách vào Việt Nam là không đáng kể.

Tại Diễn đàn "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” ngày 7/12, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nếu hàng không cứ bay charter như vậy thì đừng có bàn chuyện mở cửa du lịch.

Ông nhấn mạnh, nếu chúng ta đã mở cửa để phục hồi du lịch để thì đừng sợ mở hàng không thương mại, nếu sợ hãi thì thôi khỏi bàn. “Tôi nghĩ chúng ta không còn thời gian, cần làm nhanh, đồng bộ 3 mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt là vận tải hàng không, để mở cửa ngay mùa Tết này, còn nếu lò xo đã liệt rồi thì có kéo cũng không lên nổi đâu”, ông lưu ý về tính cấp thiết việc mở lại đường bay quốc tế.

Đồng tình với ý kiến trên, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Saigontourist - ông Nguyễn Hữu Y Yên, khẳng định, nếu mở đường bay thương mại, DN lữ hành sẽ sống lại, kéo các ngành khác phát triển theo.

Đặc biệt, trong giai đoạn trước và sau Tết, nguồn khách Việt kiều là nuôi sống du lịch nội địa. Họ mong được về nhưng các chuyến bay hồi hương quá ít và chi phí quá cao. Vấn đề này đang rất nóng trên các diễn đàn. Một số người phải cắn răng chấp nhận mua vé máy bay đắt đỏ, hoặc phải tìm cách đi đường vòng, như qua ngả Campuchia, để về nước.

{keywords}
Giai đoạn hai, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, thêm 4 cảng hàng không được tiếp nhận các chuyến bay quốc tế, gồm Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn.

Chưa kể, nếu chậm mở lại, Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư. Các DN hàng không, du lịch suy yếu, có thể dẫn đến phá sản, mất khả năng cạnh tranh với các hãng, các doanh nghiệp trong khu vực, khiến việc phục hồi sau đại dịch sẽ vô cùng khó khăn.

Đó là hàng loạt rủi ro mà Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa nêu ra trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép sớm mở lại đường bay quốc tế, trong bối cảnh từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát (tháng 5-11/2021), lượng khách quốc tế chỉ bằng 1% so với năm 2019.

Thận trọng không hoảng sợ

Trên thực tế, dù chưa mở cửa tại đường bay thương mại quốc tế thường lệ, trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề và gánh nặng về tài chính, các hãng bay trong nước vẫn xúc tiến mở các đường bay thẳng quốc tế thành công. Từ đó, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của các hãng trong việc từng bước mở cửa các đường bay quốc tế.

Điển hình, từ 28/11, Vietnam Airlines chính thức khai thác đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, với hành trình San Francisco - TP.HCM. Từ 2 chuyến ban đầu, hãng dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần, tiến tới nghiên cứu mở thêm đường bay mới đến Mỹ, như tới Los Angeles từ  Hà Nội/TP.HCM.

Thị trường tiềm năng này có dung lượng khách lớn thứ 10, với khoảng 1,4 triệu lượt khách năm 2019, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2017-2019 cũng là đích nhắm khai thác của Bamboo Airways. Sau chuyến bay không dừng đầu tiên ngày 23/9 thành công, hãng đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục để được bay thường lệ tới Mỹ.

Trước đó, Bamboo Airway công bố chính thức khai thác đường bay thẳng Việt Nam - Anh từ cuối năm nay. Tần suất ban đầu dự kiến là 6 chuyến khứ hồi/tuần, từ 2022 nâng dần lên bay thường nhật. 

{keywords}
Trong khó khăn, các hãng bay trong nước vẫn xúc tiến mở các đường bay thẳng quốc tế

Còn Vietjet cũng dự tính mở 3 đường bay thẳng từ tới Nga từ tháng 7/2022, với các chuyến bay nối Hà Nội, TP.HCM và TP. Nha Trang với thủ đô Moskva.

Trước đó, từ tháng 7, một số chuyến bay quốc tế cũng được Vietnam Airlines khai thác tới Nhật Bản, Hàn Quốc,... nhưng số lượng hạn chế và chỉ được phép của nhà chức trách.

Mặc dù kế hoạch khôi phục các đường bay quốc tế đã có, Bộ GTVT đã trình lên Chính phủ, song việc mở lại phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến dịch Covid-19, với những biến chủng mới, lây lan nhanh. Ví như, biến chủng Omicron khiến hàng loạt quốc gia đóng cửa bầu trời và cấm nhập cảnh với công dân các nước châu Phi.

Tại Việt Nam, tuy chưa có đường bay và chỉ thực hiện các chuyến bay cứu trợ, đưa người Việt Nam từ châu Phi về nước, Cục Hàng không cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng dừng hết các chuyến bay và cấm nhập cảnh hành khách từ 10 quốc gia châu Phi, gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia hoặc những du khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 3 tuần.

Cùng với đó, số ca F0 trong nước tăng cao ở các địa phương cũng dẫn đến nguy cơ một số quốc gia chưa muốn mở lại đường bay quốc tế với Việt Nam, khách quốc tế cũng e ngại và trong nước, các địa phương muốn tăng cường các biện pháp kiểm soát di chuyển, trong đó có hạn chế chuyến bay hoặc yêu cầu ngặt nghèo hơn với khách bay.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, cơ quan quản lý vẫn tích cực chuẩn bị mở lại các đường bay quốc tế một cách sớm nhất, ngay khi Bộ Y tế có những quy định cụ thể về cách ly cũng như đàm phán xong với các quốc gia mà chúng ta kết nối, trừ những đường bay tới châu Phi như trên.

Điều quan trọng, theo các chuyên gia, việc mở đường bay quốc tế ngoài đảm bảo các điều kiện như xem xét khả năng phòng chống dịch, tiêm vắc xin cho người dân, trên hết cần có sự đồng thuận của các quốc gia mà ta kết nối. Do đó, việc cần làm là đàm phán với các nước để xác nhận hộ chiếu vắc xin - công cụ để chúng ta mở các chuyến bay.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, trên thực tế, biến chủng mới Omicron lây lan nhanh nhưng việc chẩn đoán và xét nghiệm vẫn không thay đổi, có thể dùng test nhanh và PCR và ít gây bệnh nặng. Thế giới thận trọng nhưng không nên hoảng sợ. Du lịch, hàng không có thể bị trễ bởi biến chủng này nhưng không nên để lỡ cơ hội.

Để kiểm soát dịch, theo một số chuyên gia, giai đoạn này cần xét nghiệm Covid đối với tất cả khách bay nội địa. Vừa qua, do áp lực của chi phí xét nghiệm cao, nên nhiều đường bay trong nước không bắt buộc xét nghiệm, khiến dịch bệnh dễ lây lan và gây tốn kém rất nhiều cho công tác truy vết, xử lý F0. Bộ Y tế đã ban hành khung giá xét nghiệm nhanh chỉ còn 109.000 đồng, trong khả năng chi trả của khách bay nội địa.

Chuyên gia khuyến nghị Bộ Y tế khẩn trương quy định xét nghiệm trước khi bay, để hãng hàng không và sân bay đảm bảo môi trường an toàn phòng chống dịch. Việc xử lý F0 tại sân bay hoặc trên tàu bay vô cùng phức tạp, rủi ro, tốn kém. Khi đảm bảo khách đều âm tính thì chính hành khách cũng yên tâm bay và các địa phương mở cửa hàng không vì hầu như hạn chế dịch bệnh lây lan qua đường hàng không.

Ngọc Hà

Trả 240 triệu tiền vé để về nước, vẫn phải bay vòng qua Campuchia

Trả 240 triệu tiền vé để về nước, vẫn phải bay vòng qua Campuchia

Trong khi máy bay các hãng đang nằm không thì người Việt tại các quốc gia phải bỏ số tiền vài trăm triệu để hồi hương hoặc "đi nhờ" qua đường Campuchia.