- Bình luận ngay sau vụ kỷ luật ở trường tiểu học Nam Trung Yên, GS Nguyễn Lân Dũng nói với Góc nhìn thẳng "không thể chấp nhận có con sâu làm rầu nồi canh trong giáo dục" bởi hệ lụy làm hỏng cả con người. 


Hiệu trưởng gian dối trong vụ tai nạn gãy chân của một học sinh lớp 2, trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), vụ hiệu trưởng lấy tiền ăn của học sinh để làm quỹ đen... Những vụ việc liên quan đến đạo đức và sự lộng quyền của hiệu trưởng tại một số trường học như vậy đã tạo ra sự lo ngại và hoài nghi trong các bậc phụ huynh, gây bức xúc dư luận xã hội.

Nhiều ý kiến nói rằng, trong bốn bức tường của nhà trường hiện nay, hiệu trưởng đang là vua. Vậy chúng ta cần phải nhìn nhận như thế nào về vai trò, tư cách, về quyền hạn và trách nhiệm của các hiệu trưởng?

Ngay sau khi UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội công bố quyết định kỷ luật đối với cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, cô hiệu phó Nguyễn Thị Hương (trường tiểu học Nam Trung Yên) sáng qua, 21/2, chuyên mục Góc nhìn thẳng của Báo điện tử VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng về các vấn đề trên.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Giáo sư, Giáo sư nghĩ như thế nào về ý kiến, “bên trong bốn bức tường của nhà trường, hiệu trưởng đang là vua”?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ rằng hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm về mọi việc trong trường. Những việc xảy ra trong Tháng 12/2016 và tháng Giêng vừa qua cho thấy là không phải chỉ là hiệu trưởng mà nhiều giáo viên có thái độ không phù hợp đối với học sinh đã làm xã hội rất bức xúc. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về các vấn đề đó, không phải chỉ về việc của mình mà cả việc của các giáo viên trong trường nữa.


"Một kỹ sư nông nghiệp mà có sai nhầm gì đó thì chỉ hỏng một vụ mùa, một kỹ sư công nghiệp có thể làm hỏng một cái máy..., nhưng chúng ta không thể làm hỏng một con người, mà không phải một con người mà là một thế hệ trẻ."

- GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng

Chúng ta thấy đã xảy ra quá nhiều chuyện, như có giáo viên đánh học sinh như vụ việc ở trường THPT Tầm Vu, tỉnh Hậu Giang, có những giáo viên dạy cấp phổ thông, giáo viên trông trẻ...

Chúng ta còn nhớ hình ảnh cô giáo đút tay túi quần, lấy chân thúc vào bụng trẻ em, rồi có cô còn nhấc trẻ em dọa ném ra ngoài cửa sổ hay dốc ngược trên cửa sổ. Những chuyện như vậy đau lòng lắm! 

Riêng hiệu trưởng là người phải chịu trách nhiệm về những việc như vậy. Gọi là vua thì không được, ta nên nói rằng, khi là người đứng đầu đơn vị nhà trường thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về mọi việc xảy ra trong trường mình.

Chuyện vừa rồi của cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, cô giáo hiệu phó Nguyễn Thị Hương (Trường Tiểu học Nam Trung Yên- Hà Nội) đã làm xã hội vô cùng bức xúc. 

Đã sai trái rồi mà lại không trung thực, không can đảm nhận lỗi mà lại giấu hết cả sự thật đi! Không những thế, các cô giáo này không giúp cơ quan điều tra, biết rõ số điện thoại của anh lái xe taxi làm cho cháu Kiên bị gãy chân mà cũng không nói ra. Không những thế, họ còn làm cái việc lấy phiếu điều tra này khác, làm đảo lộn cả sự thật đi. Những chuyện đó xấu lắm, bởi vì nó là điều không trung thực.

{keywords}
Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc (Trường tiểu học Nam Trung Yên) gian dối về vụ tai nạn gãy chân của học sinh (ảnh: theo tienphong.vn)

Người ta bảo đấy là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng theo tôi, trong ngành giáo dục không được có sâu. Cái nghề làm thầy, như thầy giáo, thầy thuốc, rồi bố mẹ - mà mình gọi là thầy u..., đã làm thầy không được có sâu bởi vì điều đó làm ảnh hưởng đến con người.

Thí dụ, một kỹ sư nông nghiệp mà có sai nhầm gì đó thì chỉ hỏng một vụ mùa, một kỹ sư công nghiệp có thể làm hỏng một cái máy..., nhưng chúng ta không thể làm hỏng một con người, mà không phải một con người mà là một thế hệ trẻ.

Theo tôi quan niệm, đã là thầy thì không được có sâu. Và như vậy phải hết sức rút kinh nghiệm, nhất là những người phụ trách như là các thầy cô làm hiệu trưởng.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa giáo sư, với cơ chế quản lý và giám hiện nay, có phải quyền lực của hiệu trưởng đang càng ngày càng to và ít khi bị kiểm soát?

GS Nguyễn Lân Dũng: Bây giờ chẳng có ai to, bởi vì nhân dân to nhất. Không ai có thể giấu được sai lầm, nhất là với hệ thống truyền thanh, truyền hình, hệ thống mạng xã hội hiện nay, không ai giấu được sai lầm đâu.

Cho nên, chúng ta thấy rằng, kể cả những người to nhất cũng bị dư luận họ đánh giá. Vì vậy, hiệu trưởng chưa phải là to nhất.

{keywords}
GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tại Góc nhìn thẳng sau vụ việc ở trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội)

Rõ ràng, cơ quan quản lý có thể có vấn đề nhưng mà hiệu trưởng sẽ không tránh được dư luận của xã hội. Cho nên, người thầy người cô làm hiệu trưởng phải hiểu rằng, là dù cơ quan quản lý mình là ti, là phòng, hay là cấp gì đi chẳng nữa thì điều quan trọng nhất là tự mình biết mình.

Khi mình làm sai, chưa ai biết mình thì mình đã biết mình sai rồi. Các cấp quản lý cũng quan trọng nhưng tự mình phải quản lý mình. Khi mình đã làm hiệu trưởng, mình đã là người thầy giáo, lại quản lý các thầy cô giáo khác thì mình phải hết sức gương mẫu. Nếu mình không gương mẫu thì làm sao mà làm cho các thầy cô giáo trong trường gương mẫu được. Và nếu thầy cô không gương mẫu, làm sao dạy được trẻ em, làm sao tạo được thế hệ trẻ vừa có hồng vừa có chuyên, vừa có đạo đức tốt, vừa có sức khỏe tốt, vừa có thẩm mỹ tốt, bên cạnh việc là giáo dục kiến thức tốt?

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa giáo sư, khi hiệu trưởng để xảy ra các sai phạm thì cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc này?

GS Nguyễn Lân Dũng: Những vụ việc vừa rồi cho thấy tất cả các bên phải cùng chịu trách nhiệm.

Ngay với đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, đồng chí ấy cũng tự cảm


Xem thêm tin liên quan:


thấy mình có trách nhiệm. Và đồng chí ấy đã vào cuộc. Đồng chí ấy yêu cầu công an điều tra. Đồng chí ấy tham dự các cuộc họp, có ý kiến cụ thể là phải cách chức hiệu trưởng, hiệu phó (như ở vụ việc trường tiểu học Nam Trung Yên- PV).

Như vậy, mọi người đều phải chịu trách nhiệm chung nhưng những người được phân công làm quản lý thì chịu trách nhiệm chính. Nếu người đó không làm tròn trách nhiệm thì người đó cũng phải bị kỷ luật.

Tuy nhiên, theo tôi, người chịu trách nhiệm lớn nhất (khi xảy ra các vụ việc sai phạm- PV) chính là bản thân người hiệu trưởng đó. Các bạn đừng lo là các cơ quan khác không biết đến bởi nhân dân bao giờ cũng sáng suốt.

Với một đối tượng là các phụ huynh học sinh đông như thế, giáo viên đông như thế, làm sao mà che giấu được mọi việc. Vừa rồi, trường Nam Trung Yên làm một chuyện gian dối là lấy phiếu khảo sát, tôi cho là dại dột. Sao có thể bắt tất cả giáo viên phải làm ngơ được, bắt tất cả học sinh phải làm ngơ được? Cuối cùng, hàng chục giáo viên đều viết thư phản ánh sự thật.

Không giấu được đâu! Sự thật, người ta vẫn nói như cái kim, làm sao giấu được trong túi, nó phải thòi ra chứ.

Cho nên là, trong nhà trường, không nên tìm cách giấu sự thật bởi hơn ai hết, giáo viên phải trung thực. Trung thực là bài học đầu tiên để dạy cho học sinh. Mình không trung thực, làm sao làm gương cho học sinh được? Sự trung thực mà bị vi phạm là sự vi phạm rất lớn đối với thầy cô giáo.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Giáo sư, bên cạnh tiếng nói phản biện từ cộng đồng xã hội thì theo Giáo sư, về mặt quy định nhà nước hiện nay, chúng ta cần sửa đổi như thế nào để không còn những tình trạng như vậy xảy ra?

GS Nguyễn Lân Dũng: Thực ra, chúng ta không thiếu các quy định, chỉ có vấn đề là phải nâng cao trách nhiệm của người quản lý. Chúng ta đầy quy định rồi, không thiếu luật lệ! Việc quan trọng là chúng ta làm thế nào để làm tròn trách nhiệm của mình. Người quản lý phải gương mẫu và phải chú ý trong phạm vi quản lý của mình, làm cho họ (cấp dưới- PV) cũng gương mẫu như mình.

Hiệu trưởng phải làm gương mẫu để cho những giáo viên trong trường cũng gương mẫu theo mình. Rồi giám đốc sở, giám đốc các ban ngành, rồi trưởng các phòng cũng như vậy, mình quản lý ai thì mình phải gương mẫu với các đối tượng đó. Mình có gương mẫu thì mới làm gương cho cấp dưới được. Và khi cấp dưới làm sai mình phải có trách nhiệm để chấn chỉnh ngay, đừng để cái sai nó lan thành một vết loang lớn trong ngành mình phụ trách.

Do đó, tôi thấy đối với giáo dục, có những chuyện xảy ra như vậy là làm đau lòng lắm nhưng chúng ta không vơ đũa cả nắm.

Tôi ở trong ngành giáo dục 60 năm rồi và tôi biết, trong ngành giáo dục có rất nhiều thầy cô giáo yêu nghề, yêu trẻ và tận tụy. Chúng ta không nên vì một số người làm xấu mà chúng ta đánh giá sai toàn ngành giáo dục. Nhưng chúng ta không thể tha thứ được.

Và như tôi đã nói, con sâu làm rầu nồi canh không thể có trong ngành giáo dục được. Ngành khác, tôi thấy còn có thể chấp nhận được, chứ còn ngành giáo dục là đụng chạm đến con người, không phải đụng chạm đến cây cối, động chạm đến máy móc như là các kỹ sư, mà là đụng chạm đến con người. Con người thì phải hết sức tôn trọng, và hết sức lo lắng việc giữ gìn sức khỏe, cũng như hạnh kiểm của con người. Không được vi phạm đạo đức đối với vấn đề con người.

Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn Giáo sư đã chia sẻ với báo VietNamNet.

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Bạt Tuấn- Xuân Quý- Đức Yên

Email: gocnhinthang@vietnamnet.vn

Các talk show khác:

Muốn quản Uber, Facebook, Google, Việt Nam phải nhanh chân lên

Muốn quản Uber, Facebook, Google, Việt Nam phải nhanh chân lên

Uber, Facebook, Google đã nộp thuế cho VN ước trên 40 tỷ. Nhà quản lý sẽ phải "chạy nhanh hơn" để bắt kịp những loại hình sáng tạo mới, các chuyên gia khuyến nghị ở phần 2 của bàn tròn về vấn đề này tại Góc nhìn thẳng.

Hé lộ số thuế "còi" của Uber, Facebook, Google nộp cho VN

Hé lộ số thuế "còi" của Uber, Facebook, Google nộp cho VN

Lần đầu tiên, số thuế của Uber, Facebook, Google nộp cho Việt Nam được tiết lộ khi Tổng cục thuế tham gia bàn tròn "Việt Nam thích ứng thế nào với các hiện tượng kinh tế mới?" tại chuyên mục Góc nhìn thẳng.

Cục trưởng hi vọng không hỗn loạn cướp ấn đền Trần đêm nay

Cục trưởng hi vọng không hỗn loạn cướp ấn đền Trần đêm nay

Do quan niệm phải mang lộc về nhà, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở không dám chắc sẽ không có phản cảm cướp ấn đền Trần nhưng hi vọng sẽ không xảy ra, bà chia sẻ với Góc nhìn thẳng ngay trước chuyến đi giám sát.

Cho người dân chơi casino, Việt Nam kiểm soát được hệ luỵ

Cho người dân chơi casino, Việt Nam kiểm soát được hệ luỵ

Với việc cho phép người Việt chơi casino, Chính phủ sẽ có đủ dữ liệu để kiểm soát được hệ luỵ từ trò chơi này và tăng thu ngân sách, GS Hà Tôn Vinh nói với Góc nhìn thẳng.