- Tin giáo dục trên các báo sáng nay vẫn nóng chuyện phụ huynh xô đổ cổng
trường mua đơn cho con dự thi vào lớp 1.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Tiến sĩ 25 tuổi
Tăng lương cho giáo sư
Hiệu trưởng tham ô, vỡ mộng kinh doanh giáo dục
Giáo sư Việt đạo văn, cô giáo bị bắt
Đào tạo thạc sĩ “ngoài luồng”
Nhiều trường đại học liên kết đào tạo thạc sĩ không phép. Khi bị phát hiện, có chương trình buộc phải dừng giữa chừng khiến học viên điêu đứng.
Một số cơ sở trong bài viết được đăng trên báo Tuổi trẻ gồm có: Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Điện lực, Học viện Hàng không, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Đồng Nai, Tài chính Marketing.
Bổ sung Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa
Báo Thanh Niên hôm nay có bài phỏng vấn GS - Viện sĩ Phan Huy Lê (ảnh) - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam. Theo ông: việc chưa cập nhật nội dung về Trường Sa, Hoàng Sa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông là hụt hẫng rất đáng tiếc.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng thức trắng đêm, xô đẩy nhau để mua được đơn cho con thi tuyển vào lớp 1 Trường Thực nghiệm Hà Nội. (Ảnh: Văn Chung) |
Không thể triển khai đại trà mô hình trường Thực nghiệm
Ngày 13/5, Trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) đã phải huy động thêm lực lượng công an bảo vệ mới hoàn tất việc bán đơn vào lớp 1 năm học 2012-2013.
GS Văn Như Cương cho rằng, phụ huynh muốn chọn trường tốt cho con là điều tự nhiên. Khi chất lượng giáo dục giữa các trường còn có sự khác nhau quá xa, việc phụ huynh đổ xô vào những địa chỉ trường tốt nào đó, kể cả việc chấp nhận dầm mưa trắng đêm xếp hàng cũng là điều bình thường...Nói về hiện tượng này, GS Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ" của mô hình trường thực nghiệm bày tỏ: "Tôi thương phụ huynh quá!". Ông nói, muốn giải quyết hiện tượng này một cách căn cơ, thì giáo dục phải thay đổi, kể cả Trường Thực Nghiệm.
Đó là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Lê Tiến Thành trên báo Tin tức. Ông nói, chương trình thực nghiệm được áp dụng bởi nhiều tính tích cực của phương pháp giáo dục như: tính tích cực, tính tự quản, tôn trọng tính sáng tạo của học sinh...Tuy nhiên sẽ không thể triển khai đại trà bởi theo Luật Giáo dục, Việt Nam chỉ có một chương trình học và một chương trình sách giáo khoa hiện hành. Còn chương trình thực nghiệm chỉ mang tính thí nghiệm.
"Tuy nhiên nơi nào có nhu cầu thí điểm mô hình thực nghiệm, Bộ rất khuyến khích" - ông nói.
Hiện đã có 16 tỉnh triển khai mô hình thực nghiệm này. Ở Hà Nội vì nhiều lý do mà chỉ duy trì một Trường PTCS Thực nghiệm thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Cũng trên báo Tin tức, bà Lê Thị Mai Hương, phó Hiệu trưởng Trường PTCS Thực nghiệm cho biết, việc tuyển sinh năm nay sẽ vất vả hơn mọi năm vì số lượng "ứng viên" đông, trong khi khả năng đáp ứng của nhà trường có hạn.
Ảnh: Vnexpress |
Việc học sinh sẽ thi những môn nào trong kì thi "đo nghiệm", bà Hương từ chối tiết lộ.
Sẽ sơ tuyển trước khi thi tuyển
Liên quan đến tuyển sinh đầu cấp, thông tin trên báo Tiền Phong: Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên của Hà Nội năm nay sẽ thực hiện theo quy chế trường chuyên mà Bộ GD-ĐT ban hành đầu năm 2012. Như vậy, thí sinh đăng ký dự thi nếu qua được vòng sơ tuyển mới được dự thi.
Luyện thi ĐH: Lò luyện “ế”, trực tuyến “lên ngôi”
Xu hướng ôn tập năm nay không còn tập trung vào các trung tâm luyện thi ĐH như trước. Thay vào đó, nhiều trang web trực tuyến đã và đang hút hàng vạn lượt truy cập mỗi ngày. Sài Gòn giải phóng đã có bài viết về vấn đề này.
Hình thức ôn thi này không chỉ giúp thí sinh hệ thống lại kiến thức mà còn có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tra cứu điểm tại trường thi, danh sách khối thi đại học… Theo đánh giá của nhiều chuyên gia đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, đây là xu hướng ôn tập tất yếu trong thời buổi kinh tế thị trường, giúp học sinh tiết giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại và ôn tập. Đồng thời làm giảm bớt áp lực cho kỳ thi “sinh tử” của hàng triệu thí sinh.
Học sinh miền núi mơ hồ thông tin xét tuyển diện 30a
Quy định mới về tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là hiệu trưởng các trường có quyền xem xét, quyết định xét tuyển cho các thí sinh là người dân tộc thiểu số thuộc 62 huyện nghèo vào học tại trường.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ chưa công bố hoặc công bố không rõ ràng có hay không tuyển đối tượng 30a, nên học sinh cũng không biết để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thông tin trên báo Tin Tức.
Thầy trò bó tay trước “ma trận” phiên âm
Trước “ma trận” phiên âm từ Quốc tế, nhiều thầy trò đã phải bó tay, báo Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh về vấn đề này.
Loạn phiên âm |
Việc phiên âm chệch chuẩn hoặc không thống nhất trong SGK không chỉ khiến học trò khó tiếp nhận, nó còn làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. PGS-TS, phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Vũ Kim Bảng cho rằng “Cần phải có giải pháp nhất quán, có tư tưởng chủ đạo nhưng vẫn linh hoạt, không cứng nhắc…
Hiện nay, Viện chúng tôi cũng đang nghiêm cứu cơ sở khoa học cho Luật Ngôn ngữ, vấn đề cấp thiết hiện nay là cố gắng chuẩn mực cái chuẩn chính tả trước…”.
Xác định danh tính nữ sinh đánh nhau như giang hồ
Dân Trí cho biết, đã xác định được nữ sinh đánh nhau như giang hồ trong clip đang gây xôn xao cư dân mạng được đăng tải ngày 11/5 vừa qua.Hai nữ sinh liên quan đến vụ xô xát trong clip là em Vũ Quỳnh Hoa, học sinh lớp 11B8 và em Phạm Thị Hiền, lớp 11B9 trường THPT Thanh Liêm B. Thông tin trên được cô Đỗ Thị Yến, Hiệu trưởng của trường cho biết.
Được biết, em Hoa là một học sinh có học lực trung bình khá, hạnh kiểm tốt, còn em Hiền có học lực trung bình và thường xuyên bị nhắc nhở trong việc chấp hành nề nếp của lớp. “Hiện chúng tôi đang điều tra xem học sinh nào đã tung đoạn clip này lên mạng”, cô Hoa cho biết.
- Phong Đăng - Minh Hiền (tổng hợp)