Kiểm soát để phát triển thị trường, không phải ‘bóp nghẹt’

Chia sẻ với PV. VietNamNet về sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng: Hiện nay, nguồn vốn trong nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào ngân hàng, chiếm khoảng 90-95%, đây là bất cập và là điểm yếu của thị trường tài chính Việt Nam so với các nước.

“Điều đó nói lên rằng chúng ta phải phát triển các kênh huy động vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu”, GS Trần Thọ Đạt nói.

Vụ việc Tân Hoàng Minh có thể khiến những quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị thắt chặt. Ảnh: Lương Bằng

Theo GS Trần Thọ Đạt, việc này sẽ giúp những DN hoạt động lành mạnh, có nhu cầu phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng, lấy nguồn tín dụng đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nếu thị trường trái phiếu, cổ phiếu bị mất niềm tin thì chúng ta đánh mất một dư địa vô cùng lớn để phát triển thị trường vốn. Tiềm năng để Việt Nam phát triển thị trường trái phiếu và cổ phiếu còn rất lớn. Thị trường trái phiếu của chúng ta tỷ trọng còn rất thấp so với khu vực. Thị trường cổ phiếu cũng vậy.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng nhìn thấy nhược điểm này. Đó là lý do trái phiếu DN được thúc đẩy như kênh dẫn vốn quan trọng trong vài năm gần đây.

Nhưng sau vụ Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu DN có thể rẽ sang một khúc cua khác với những quy định khắt khe hơn hẳn. Hiện Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP với nhiều nội dung bị cho là ‘khắc nghiệt’.

Khoản 2 Điều 5 dự thảo này quy định: “DN không được phát hành trái phiếu để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của DN khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.”

Quy định mới nhằm thu hẹp để hạn chế chuyển vốn giữa các DN, tuy nhiên theo các chuyên gia, quy định này cũng siết luôn vấn đề không được cho vay, góp vốn dưới mọi hình thức và khiến mô hình công ty mẹ-con hiện nay gặp hạn chế. Cụ thể, với quy định mới này, công ty mẹ không thể phát hành trái phiếu để tài trợ cho công ty con thực hiện các dự án.

Nếu các công ty con này không thể tiếp cận nguồn vốn thông qua kênh niêm yết đại chúng, kênh trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp), kênh tín dụng ngân hàng và không thể nhận tài trợ từ công ty mẹ sẽ ảnh hưởng to lớn đến quá trình phát triển quan trọng trong giai đoạn khởi đầu của những công ty, dự án tiềm năng đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước.

Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhận định quy định này sẽ “vô tình khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào lĩnh vực mới, ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành, không phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân”.

Ngoài ra, dự thảo cũng siết tiêu chuẩn với nhà phát hành. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ phải là công ty đại chúng, có tài sản đảm bảo hoặc có bảo lãnh thanh toán. Nếu không, các công ty này sẽ không thể phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân.

Theo các chuyên gia, cho dù công ty đại chúng có sự minh bạch thông tin hơn các công ty chưa đại chúng nhưng điều kiện này không đảm bảo về khả năng chi trả nợ cũng như đảm bảo về minh bạch thông tin với nhà đầu tư.

Vấn đề sử dụng tài sản đảm bảo không phải là giải pháp khi đã có bài học kinh nghiệm từ trường hợp trái phiếu Tân Hoàng Minh. Bên cạnh đó, nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán cũng chỉ có các ngân hàng thực hiện được. Thực tế, rất ít khả năng các ngân hàng thương mại chấp nhận rủi ro này để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu doanh nghiệp vì rủi ro khi xảy ra vỡ nợ lớn hơn lợi ích kinh tế đem lại. Do đó, điều kiện phát hành nói trên sẽ thắt chặt cung của thị trường trái phiếu DN. 

“Không phải chỉ vì một vài trường hợp sai phạm mà chuyển sang khoá chặt thị trường". Ảnh: Lương Bằng

Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay với quy định này chính là các công ty mới được thành lập và cấp phép hoạt động kinh doanh; các công ty con là công ty dự án, dù có sức khỏe tài chính mạnh hay yếu cũng không thể tiếp cận vốn. Họ không thể tiếp cận nguồn vốn tài trợ từ công ty mẹ; không có đủ quá trình hoạt động và điều kiện để vay vốn ngân hàng; không thể phát hành ra công chúng và không thể chào bán cổ phiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019. 

Hạn chế phóng nhanh, phanh gấp

Chia sẻ tại tọa đàm về chấn chỉnh thị trường trái phiếu DN do VnEconomy tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, đánh giá: "Qua nghiên cứu, rõ ràng Nghị định 153 trước đây tương đối thông thoáng, còn bản sửa đổi lần thứ 5 lại thắt chặt ghê gớm. Đặc biệt, một quy định bất cập là doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ thì năm liền trước không được lỗ, gần giống việc phát hành chứng khoán ra công chúng. Điều này không phải cởi mở mà mang tính siết chặt".

“Không phải chỉ vì một vài trường hợp sai phạm mà chuyển sang khoá chặt thị trường. Cần có tư duy cởi mở thì mới giữ được nhịp tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Hà chia sẻ.

Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch VietinBank Capital, mong muốn, dù Nghị định 153 sửa đổi theo hướng nào cũng không làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của bất kỳ DN nào và không ngăn cản luồng vốn chảy từ khu vực dân cư vào DN.  

Theo các chuyên gia, thay vì đưa ra những quy định quá khắt khe, thì xếp hạng tín nhiệm DN chính là liều thuốc giúp thị trường minh bạch, giảm bất đối xứng thông tin.

Bình luận về chiến lược phát triển thị trường tài chính nói chung, GS. TS Trần Thọ Đạt lưu ý cần tránh những cú ‘dao động mạnh’, ‘biến động thất thường’. Vị chuyên gia này cho rằng: Chúng ta cần lành mạnh hóa thị trường tài chính chứ không nên siết chặt. Các biện pháp đưa ra phải gửi một thông điệp rõ ràng là Chính phủ luôn luôn nuôi dưỡng, phát huy một thị trường tài chính lành mạnh. Đây cũng là bài toán cân đối giữa phát triển và kiểm soát để thị trường phát triển.

“Muốn phát triển lành mạnh phải có kiểm soát. Tức là ngay từ đầu, khi chớm nảy sinh ra vấn đề phải có chế tài phát hiện. Ví dụ đối với trái phiếu DN, không phải DN nào cũng có thể phát hành được mà phải có xếp hạng tín nhiệm DN.”, GS.TS Trần Thọ Đạt lưu ý.

Lương Bằng

Bộ trưởng Tài chính: Rà soát doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tình hình tài chính kémBộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị về kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.