- Liên quan đến việc Phạm Công Danh rút 5.490 tỷ đồng từ tài khoản và hồ sơ vay của nhóm Trần Ngọc Bích (Giám đốc Tân Hiệp Phát), Viện kiểm sát cho rằng không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự nữ doanh nhân.
Ngày 16/8, sau gần 4 tuần xét xử, phiên tòa sơ thẩm xét xử "đại án" gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt là VNCB) bước vào phần tranh luận. Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã phát biểu quan điểm về vụ án.
Vụ án kinh tế lớn nhất
Đó là nhận định của VKS khi phát biểu quan điểm về vụ án. Theo VKS, trong những năm gần đây, tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ngày càng đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại của Nhà nước từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng.
Tại toà, mặc dù một số bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi tại tòa có đủ cơ sở kết luận Phạm Công Danh và các bị cáo đã phạm vào tội danh như bản cáo trạng quy kết.
Cụ thể, khoảng tháng 9/2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank, Phạm Công Danh đã nắm quyền điều hành TrustBank (sau này là VNCB). Dưới sự lãnh đạo của Phạm Công Danh, vốn chủ sở hữu ngày càng âm, lỗ lũy kế ngày càng tăng. Để thu hút người gửi tiền, Phạm Công Danh đã phải chi lãi suất vượt trần.
Để có tiền, bị cáo Danh đã chỉ đạo các cấp dưới thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, cố ý làm trái như: lập khống hồ sơ nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút 63,276 tỷ đồng; lập hợp đồng khống thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành và số 816 Sư Vạn Hạnh để rút từ VNCB 581,6 tỷ đồng; câu kết với Nguyễn Việt Hà (Giám đốc Quỹ Lộc Việt) để rút 900 tỷ đồng; chuyển 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của Trần Ngọc Bích khi không có chữ ký của chủ tài khoản, lập hồ sơ cho vay 300 tỷ đồng nhưng không có chữ ký của người vay, gây thiệt hại tổng cộng hơn 7.000 tỷ đồng.
Bà Trần Ngọc Bích trả lời thẩm vấn tại tòa. |
Ngoài hành vi cố ý làm trái, Phạm Công Danh và nhiều cấp dưới còn phạm tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Cụ thể: từ ngày 28/12/2012 đến 11/3/2014, để có tiền sử dụng, Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp, chỉ đạo các cấp dưới ở VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 14 pháp nhân để xây dựng hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT khống, chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất là tài sản đảm bảo để vay tại VNCB 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.
Nữ doanh nhân và khoản tiền 5.490 tỷ đồng
Liên quan đến khoản tiền 5.490 tỷ của nhóm bà Trần Ngọc Bích, VKS cho rằng căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại toà, có đủ cơ sở cho rằng khoản tiền 5.190 tỷ đồng đã được Phạm Công Danh và đồng phạm chuyển ra khỏi tài khoản trái với ý chí của bà Bích.
Từ đó, VKS đề nghị cần phục hồi toàn bộ số tiền trên trong tài khoản bà Bích trên cơ sở bà Bích phải hoàn trả tất cả các hợp đồng vay, ngân hàng tiếp tục quản lý 124 sổ tiết kiệm (trị giá 5.880 tỷ đồng) của nhóm này.
Đối với cá nhân bà Bích, do quá trình điều tra và thẩm vấn tại toà vẫn chưa làm rõ được có việc giữa bị cáo Danh và bà Bích có quan hệ cho vay. Bà Bích khai chỉ làm việc với Phạm Thị Trang (Trang Phố núi) trong khi Trang đã xuất cảnh nên không thể lấy lời khai, chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự của bà Bích và các cá nhân liên quan.
Cũng trong phần phát biểu, VKS đề nghị khởi tố Phạm Thị Trang (tức Trang Phố núi, đã xuất cảnh) để điều tra, xử lý. Viện cũng kiến nghị Cơ quan điều tra VKSND Tối Cao xem xét trách nhiệm hình sự với ông Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt) liên quan đến việc Phạm Công Danh đã rút 900 tỷ đồng thông qua quỹ này.
Do vụ án quá dài, phần phát biểu quan điểm của VKS vẫn chưa kết thúc. Chiều nay, VKS tiếp tục phát biểu quan điểm và đưa ra mức án đề nghị với các bị cáo.
M.Phượng