LTS: Hàng loạt vụ giả biển số xe bị cộng đồng mạng phát hiện, tố giác gần đây dấy lên mối lo ngại nếu không được ngăn chặn sẽ trở thành những vấn đề gây bất ổn trong xã hội. Biện minh cho hành vi này là những lý do: Trốn phí qua trạm, tránh phạt nguội... nhưng hệ lụy thấy rõ là cảnh không ít chủ xe hứng chịu “tai bay vạ gió”, bỏ công việc, ngược xuôi nhờ hỗ trợ để minh oan cho mình. Những hành vi “lợi mình, thiệt người”, chủ đích “gieo tội” cho người khác như trên đã khiến cộng đồng bất bình, phê phán về đạo đức lái xe và thẳng thắn tuyên chiến đòi chế tài nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Vi phạm không được xử lý kịp thời dễ bị nhờn

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hành vi sử dụng băng dính che biển số, sử dụng biển số xe giả để tham gia giao thông đều đã có quy định để xử lý. Do vậy, đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là mọi hành vi vi phạm đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

“Còn nếu cứ tăng mức phạt lên, nhưng trên đường vẫn cứ tràn lan xe sử dụng biển giả thì sẽ dẫn đến hiện tượng nhờn luật. Tức là hành vi vi phạm nhưng không được phát hiện kịp thời, không bị xử phạt, dẫn đến ngày càng nhiều người vi phạm hơn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang. Ảnh: CTV

Do vậy, theo ông Nguyễn Trường Giang, lực lượng chức năng, đặc biệt là cảnh sát giao thông cần phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm để xử phạt ngay.

“Cũng có những hành vi không phát hiện được ngay, thì có thể phạt nguội. Điều đó có nghĩa là mọi hành vi vi phạm phải bị xử phạt”, ông Nguyễn Trường Giang cho hay.

Hình chụp xe Honda CR-V dùng biển giả trên cao tốc Hà Nội-Lào Cai bị phạt nguội (khoanh đỏ) và hình chụp của xe biển thật đang ở Nam Định. Ảnh: Xuân Trường 

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hành vi che biển số xe, hay chỉnh sửa biển số cần phải xem như gắn biển số giả.

Theo đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp, việc sử dụng biển số xe giả lưu thông trên đường tránh nộp phí BOT, trốn phạt nguội còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Cụ thể như trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn khiến người đi xe biển thật bị oan. Nhiều xe gắn biển giả đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… nhưng người có xe biển “xịn” lại bị gọi lên nộp phạt.

Trước thực trạng trên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, lực lượng công an phải thanh tra, kiểm tra để xem xe nào sử dụng biển giả, xe nào sử dụng biển thật. “Với những xe sử dụng biển giả cần phải xử phạt kịch khung, đồng thời tạm giữ xe trong thời gian dài. Tôi nghĩ nếu làm nghiêm như vậy thì sẽ phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng có hành vi sử dụng biển số xe giả”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu quan điểm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, với những đối tượng sử dụng xe gắn biển giả gây hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người khác rồi bỏ trốn thì cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. “Còn những đối tượng cố tình sử dụng biển số giả để làm ăn phi pháp cũng phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Phạt vài triệu đồng, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền nộp

Theo bà Lê Thị Nguyệt - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hành vi sử dụng băng dính che biển số, sử dụng biển số xe giả để tham gia giao thông chắc chắn phải có mục đích, động cơ không tốt.

Do vậy, khi phát hiện ô tô gắn biển giả hoặc nhận được trình báo của người dân về sự việc này, lực lượng chức năng cần phải vào cuộc xem xét mục đích ở đây là như thế nào để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Tài xế dán băng dính đen, sửa số 0 thành 8

Theo bà Lê Thị Nguyệt, hành vi này đã gây ra nhiều hậu quả không tốt cho xã hội, thậm chí lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý xe vi phạm. Nhiều người còn sử dụng biển giả để tránh nộp phí qua trạm thu phí, trốn phạt nguội. Còn nhiều chủ sở hữu xe bị làm nhái biển gặp phiền toái, mất nhiều công sức, thời gian đi “minh oan”.

Do vậy, theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, việc sử dụng biển số xe giả cần phải xử lý thật nghiêm. “Trường hợp nào sử dụng biển số xe giả cũng chỉ bị xử phạt hành chính chỉ vài triệu đồng, thì nhiều người sẵn sàng bị xử phạt. Sau đó, họ lại tiếp tục sử dụng biển số xe giả vì mục đích đạt được còn lớn hơn số tiền nộp phạt. Như vậy, việc xử lý sẽ không đủ sức răn đe những đối tượng cố tình sử dụng biển số xe giả”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện nói.

Bà Lê Thị Nguyệt - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UB Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Để tránh bỏ lọt tội phạm, theo bà Lê Thị Nguyệt, lực lượng chức năng cần phải xem xét động cơ, mục đích cụ thể của từng trường hợp sử dụng biển số xe giả. Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, nếu trong một thời gian ngắn lực lượng chức năng liên tục phát hiện hay nhận được tin báo về các trường hợp sử dụng biển số xe giả thì cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần phải đề xuất giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Ngoài ra, theo bà Lê Thị Nguyệt để làm được biển số xe giống như thật, qua mặt được lực lượng chức năng thì phải có nơi sản xuất biển giả chuyên nghiệp. “Đây là hành vi tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật. Do vậy, lực lượng chức năng cần phải vào cuộc, điều tra, xem xét trách nhiệm những người làm biển giả”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đề xuất.

Quy định hiện hành, sử dụng biển số xe giả bị xử lý thế nào?

Nghị định 123 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt quy định cụ thể mức xử phạt người điều khiển xe ô tô gắn biển số giả.

Theo nghị định, người điều khiển xe ô tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Người điều khiển xe ô tô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số bị phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.

Với tổ chức, cá nhân bán biển số không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bị phạt từ 10 triệu đồng đến 24 triệu đồng.

Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép.

Trước những hành vi chủ đích che biển số, giả biển số xe người khác, đa số ý kiến trên các diễn đàn thể hiện sự bất bình. Báo VietNamNet mời độc giả gửi thông tin về thời gian, địa điểm, hình ảnh xe vi phạm về địa chỉ banthoisu@vietnamnet.vn để cùng chung tay dẹp bỏ vấn nạn này.