Đó là nhận định của kĩ sư Ngô Trọng Trung, Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm khi nói về công tác bảo tồn biển và câu chuyện hài hòa giữa bài toán bảo tồn với vấn đề sinh kế của người dân.

Không dựa vào dân, mọi giải pháp bảo tồn sẽ thất bại

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện “Kế hoạch quản lý (KHQL) tổng hợp Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm giai đoạn 2019-2023 và xây dựng KHQL giai đoạn 2024-2028”, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm vừa triển khai tổ chức chương trình tham vấn cộng đồng để lắng nghe ý kiến và phản ảnh của người dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ giai đoạn 2019-2023 và các mục tiêu dự thảo giai đoạn 2024-2028 trong KHQL của BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

cu lao cham sinh quyen.jpg
Cù Lao Chàm là 1 trong 11 Khu bảo tồn biển và Vườn quốc gia có biển của Việt Nam.

Theo kĩ sư Trọng Trung, tham vấn cộng đồng là bước đi quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch quản lý giai đoạn 2024-2028 đối với Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Bởi thông qua những ý kiến phản biện và đóng góp sáng kiến của người dân, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ điều chỉnh các kế hoạch sao cho bám sát thực tiễn, đồng thời đề đạt các chính sách với các cấp ngành liên quan để công tác bảo tồn biển được tốt hơn.

Được biết, tại các chương trình tham vấn, đông đảo bà con 3 thôn tại xã Tân Hiệp (đơn vị hành chính tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thuộc TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), trong đó có cộng đồng ngư dân, phụ nữ, thanh niên, đại diện các hộ kinh doanh du lịch, tổ bảo vệ môi trường, nhóm hộ bảo vệ và khai thác cua đá, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn xã cùng nhau thảo luận và hiến kế chính sách. Thực sự, nếu không dựa vào dân chúng tôi sẽ chẳng thể làm được gì.

“Nội dung tham vấn tập trung chủ yếu vào việc lấy ý kiến, đánh giá của cộng đồng địa phương đối với các hiện trạng  nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên rừng và biển và thực trạng quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản cũng các hoạt động du lịch trên địa bàn. Qua đây bà con, cộng đồng tại vùng lõi của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được chia sẻ những trăn trở, tâm tư, nguyện vọng, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các hoạt động đảm bảo sinh kế”, kĩ sư Ngô Trung nói.

Bài học hay cho các khu bảo tồn biển trên cả nước

Tính đến tháng 11/2023 do nhiều khó khăn nên Việt Nam mới thành lập được 11 Khu bảo tồn biển và Vườn quốc gia có biển gồm: Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Hòn Cau, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, VQG Bái Tử Long, VQG Cát Bà, VQG Núi Chúa, VQG Côn Đảo. Ngoài ra vẫn còn 5 khu bảo tồn biển dù đã được quy hoạch nhưng chưa thành lập được gồm: Cô Tô, đảo Trần, Hải Vân - Sơn Trà, Hòn Mê, Phú Quý, Nam Yết.

Trong 11 Khu bảo tồn biển, hầu hết đều nằm trong các khu vực được đầu tư mạnh cho phát triển du lịch nên vì thế cũng có thêm những nguồn lực cho công tác bảo tồn. Ví dụ, với VQG Côn Đảo thì một phần doanh thu từ du lịch được tái đầu tư cho các dự án bảo tồn biển trong đó có loài rùa biển tại đây. Dĩ nhiên, mỗi khu bảo tồn biển sẽ có những nguồn lực khác nhau nhưng nhìn chung công tác bảo tồn nếu chỉ dựa vào nguồn lực từ bên ngoài sẽ rất bị động, thiếu tính bền vững.

Bên cạnh đó, người dân địa phương là những người đang bảo tồn trực tiếp nhưng họ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương như chính các khu bảo tồn biển nếu nguồn sinh kế của họ không được đảm bảo. Chính vì vậy, theo kĩ sư Ngô Trọng Trung, những ý kiến, phản ảnh, góp ý của cộng đồng cũng như đại diện doanh nghiệp sẽ cần phải được xử lý và tìm ra các giải pháp bền vững. Bởi, nếu “sống trên mỏ vàng mà bị đói” thì e rằng việc bảo tồn tại các khu bảo tồn biển nói riêng, các VQG nói chung sẽ thất bại.

Đồng ý với nhận định này, TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang chia sẻ, các khu bảo tồn biển ở Việt Nam hiện nay đa phần có hiệu quả thấp đối với tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, vẫn còn tình trạng khai thác cạn kiệt, kể cả vùng lõi. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân do không được đảm bảo sinh kế sẽ rất dễ xâm phạm các nguồn lợi thiên nhiên trong khu bảo tồn. Tuy nhiên, nếu ngay tại các KBTB có tiềm năng thực thi pháp luật, ý thức bảo tồn của cộng đồng được nâng cao thì mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Được biết, KBTB Cù Lao Chàm và Khu dự trữ sinh thái Tây Nghệ An đang được Việt Nam xây dựng để trở thành 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Hoài Bắc và nhóm PV, BTV