Với quan điểm phát triển cùng với các nhiệm vụ, giải pháp hết sức bao trùm và toàn diện, trong đó lấy tiếp cận phát triển Vùng làm quan điểm chủ đạo, nền kinh tế các địa phương là một bộ phận hợp thành hữu cơ và cùng hướng đến mục tiêu chung dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh riêng có, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, giải phóng và tái phân bổ lại nguồn lực thông qua các cơ chế, chính sách, giải pháp để vùng Đông Nam Bộ phát triển năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, đóng góp lớn vào sự phát triển đất nước.
Trong số các chủ trương, giải pháp phát triển vùng đó, có chủ trương về “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế”.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: Sáng kiến hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là một cơ chế ưu đãi dành riêng cho Bà Rịa – Vũng Tàu mà là cơ chế đặc thù cho cả Vùng Đông Nam Bộ.
Sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ tạo ra một công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khu vực trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới, là động lực để Vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển và thịnh vượng chung của cả nước.
Việc lựa chọn vị trí hình thành khu thương mại tự do ở khu vực Cái Mép Hạ theo Nghị quyết 24 dựa trên những luận cứ mang tính khoa học và thực tiễn trong nước và quốc tế, dựa trên các đánh giá khách quan về các lợi thế tự nhiên. Cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) là một trong 20 cảng lớn trên thế giới, có thể tiếp cận các siêu tàu container lớn nhất thế giới hiện nay. Đây cũng là cụm cảng duy nhất ở miền Nam Việt Nam có những chuyến tàu đi thẳng đến Châu Mỹ, Châu Âu. Cảng CM-TV được xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới năm 2021 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Cái Mép Hạ hội đủ các điều kiện để có thể hiện thực hóa sáng kiến hình thành khu thương mại tự do thế hệ mới của Vùng được kiến tạo trên nền một hệ sinh thái đa dạng, gồm nhiều lớp nền tảng hỗ trợ.
Ông Thọ thông tin, để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian vừa qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động triển khai một số công việc cần thiết như: Cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistic Cái Mép Hạ với diện tích 1.686,73ha, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng; phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối Vùng Đông Nam Bộ; đặc biệt là kết nối hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh, các trung tâm công nghiệp, đô thị trong vùng. Xúc tiến lập Đề án nghiên cứu khả thi thành lập khu thương mại tự do Cái Mép Hạ.
Để sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ khẩn trương thực hiện các công việc cụ thể sau đây: Xác định vị trí, quy mô khu thương mại tự do, xác định cụ thể diện tích, địa điểm xây dựng khu thương mại tự do với toạ độ địa lý, ranh giới cụ thể, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh và nhu cầu sử dụng đất và mặt nước tại khu vực.
Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và các địa phương trong vùng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối khu thương mại tự do Cái Mép Hạ với hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp, khu kinh tế, các đô thị phát triển trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước, trong hành lang kinh tế xuyên Á.
Hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Khu thương mại tự do. Trong đó, cần chú trọng nghiên cứu kinh nghiệm hình thành, phát triển, vận hành các mô hình khu thương mại tự do trên thế giới; trên cơ sở đó đề xuất lựa chọn mô hình phát triển khu thương mại tự do phù hợp với đặc thù vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai… của khu vực Cái Mép Hạ.
Xây dựng chiến lược thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý đến khu thương mại tự do, tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh như: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistic, du lịch – thương mại, các lĩnh vực công nghệ - tài chính, kinh tế số…
Ngay trong quá trình lập Đề án nghiên cứu khả thi, quy hoạch các khu chức năng của khu thương mại tự do, sẽ mời các nhà thầu có uy tín trên thế giới để thiết lập các lộ trình và định hướng phát triển đầu tư, sinh lợi rõ ràng để các nhà đầu tư lớn thế giới tin tưởng, lựa chọn khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là địa điểm ưu tiên cho các dự án đầu tư của họ.
Xây dựng hệ thống chính sách phát triển khu thương mại tự do đồng bộ, cạnh tranh và hiệu quả, đặt trong mối quan hệ tổng thể, tạo công ăn việc làm, thu hút vốn FDI, thu hút ngoại tệ và tạo ra giá trị gia tăng cao, bao gồm 5 nhóm chính sách chính gồm: Chính sách phát triển kinh tế, thuế quan cạnh tranh, tạo được ưu thế đặc thù, riêng biệt, nổi bật so với khu vực Đông Nam Á và thế giới; phải hình thành hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế linh hoạt của khu thương mại tự do. Chính sách ưu đãi về tài chính phải hướng đến khuyến khích đầu tư dài hạn, ngăn chặn các kẽ hở, có nguy cơ dẫn đến lợi dụng “đầu tư lướt sóng”, trục lợi ngắn hạn. Chính sách về đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước phải phòng ngừa tình trạng đầu cơ, lợi ích nhóm, trục lợi; đồng thời phải chú trọng bảo đảm an ninh - ổn định chính trị - kinh tế, trật tự an toàn xã hội;... Chính sách về khoa học công nghệ phải chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời khuyến khích chuyển giao công nghệ phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chính sách xuất khẩu, nhập khẩu phải phù hợp về tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu đối với hàng hoá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và về vấn đề nội địa hoá các sản phẩm của doanh nghiệp. Xây dựng mô hình tổ chức bộ máy quản lý khu thương mại tự do bảo đảm yêu cầu tinh gọn, hiệu quả; học tập kinh nghiệm từ các mô hình quản lý khu thương mại tự do thế hệ mới.
Chú trọng các giải pháp quản lý, kiểm soát bằng hạ tầng số - công nghệ số. Tối ưu hóa các quy trình thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập cảnh, lưu chuyển hàng hóa – dịch vụ, thanh toán – lưu thông tiền tệ trên cơ sở các mô hình quản lý hiện đại. Chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng đất đai, cơ sở hạ tầng cấp điện, cấp nước, giao thông,… bảo đảm thực hiện các cam kết về tiến độ hình thành khu thương mại tự do, tạo được niềm tin ngay từ đầu cho các nhà đầu tư. Phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong khu thương mại tự do, bảo đảm lộ trình, tiến độ cam kết. Kết hợp đa dạng các nguồn vốn Trung ương và địa phương, hợp tác công tư,… xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời có cơ chế, lộ trình tối ưu hóa tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Quốc Huy, Huyền Sâm, Quyết Thắng