Nhà đày Buôn Ma Thuột toạ lạc tại số 17, đường Phạm Hồng Thái, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nhà tù được xây dựng trong những năm 1930-1931, là nơi giam giữ nhiều tù nhân yêu nước. Nằm lọt thỏm giữa vùng dân cư thưa thớt, bao bọc xung quanh là núi rừng hoang vu, rậm rạp, nơi đây mang nét hào hùng và trầm lắng theo thời gian.
Trải qua khoảng thời gian lịch sử đầy thăng trầm của đất nước, năm 1980, nhà đày được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Qua 2 lần trùng tu vào năm 1992, 2006, nơi đây được đưa vào khai thác, mở cửa đón khách tham quan đến học tập, tìm hiểu về lịch sử của Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Anh Nguyễn Quốc Bảo (SN 1984, TP.Buôn Ma Thuột) là chủ nhân của bộ ảnh nhà đày Buôn Ma Thuột lung linh trong nắng ban mai gây chú ý trên mạng xã hội.
"Hôm đó là một ngày đẹp trời cuối tháng 8, đoàn thanh niên của một số tỉnh đến thắp hương tưởng niệm vong linh các anh hùng tại nhà đày. Dù những ngày trước đó vẫn mưa dai dẳng nhưng hôm mình đến thì trời lại đẹp lạ thường. Mình quyết định chụp lại một bộ ảnh về nhà đày để chia sẻ tới du khách thập phương, nhất là các bạn trẻ”, Quốc Bảo chia sẻ.
Nhà đày Buôn Ma Thuột khoác trên mình một màu vàng hoài niệm, nhuốm màu thời gian. Lối vào nhà đày được quét dọn sạch sẽ, tô sơn lại khang trang, hai bên lối đi là những hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng.
Nhà đày được xây dựng với tổng diện tích gần 2 ha, gồm 4 bức tường bao quanh cao 4m, dầy 40cm, 4 góc đều có vọng gác kiên cố. Toàn bộ khu nhà đày có nhiều hạng mục công trình như: Nhà lao giam giữ, nhà quản lý, nhà y tế, bếp ăn, nhà giáo huấn, khu tra tấn, nhà xưởng, nhà nguyện, khu bàn giấy... Các công trình này đi vào hoạt động chính trong 2 giai đoạn, thời Pháp thuộc và thời kháng chiến chống Mỹ.
Thuở mới xây dựng, nhà đày Buôn Ma Thuột khá đơn giản với phần khung nhà được làm bằng gỗ, tường được đắp từ đất bùn trộn rơm, bên trong là lõi tre, phần ngoài cùng được trát một lớp xi măng mỏng, phần mái lợp lá. Sau một thời gian hoạt động khi số lượng tù nhân ngày một nhiều. Nhà đày đã được xây dựng lại kiên cố hơn với tường gạch, mái ngói vào khoảng cuối tháng 11 năm 1931. Về sau, do nhiều vụ vượt ngục nên công trình này được trùng tu kỹ lưỡng và kiên cố như hiện tại.
Phía trong khuôn viên nhà đày có tất cả 6 nhà lao tập thể, được đánh số từ 1 đến 6. Mỗi mỗi dãy lao có diện tích khoảng 180m2, có thể giam khoảng hơn 100 tù nhân, cổng chính quay về phía Nam. Các nhà lao đều xây trải dài, các cửa sổ xây cao, chắn song sắt cẩn thận, tường xây kiên cố, lợp mái ngói, trần nhà giăng lưới dây thép gai bít bùng nhằm chống tù nhân vượt ngục.
Bên cạnh 6 nhà lao tập thể thì khu xà lim là nơi giam giữ đặc biệt, dành cho tù nhân có mức độ nguy hiểm cao. Tại đây các tù chính trị bị đày đoạ khắc khổ hơn, bị giam trong không gian tầm 2m2, bị cùm chân suốt 24 tiếng và mọi sinh hoạt đều diễn ra tại chỗ. Nhưng chúng cũng không ngờ rằng, chính sự tàn bạo dã man đó đã tạo nên một “lực lượng trung kiên” có tổ chức, không khuất phục và không đầu hàng. Năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Đắk Lắk đã được thành lập tại đây.
Khu quản lý của nhà đày trước đây được tu sửa thành phòng trưng bày. Nơi này hiện đang lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về quá trình xây dựng nhà đày, các phong trào đấu tranh, sự phát triển của Đảng Cộng sản trong nhà đày và của tỉnh Đắk Lắk.
Tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo dòng chảy thời gian và trải qua 2 lần tu sửa, di tích lịch sử đặc biệt này ít nhiều có sự thay đổi về diện mạo, cảnh quan hay cơ sở vật chất, tuy nhiên vẫn bảo đảm giữ nguyên bản về chất liệu, màu sắc, hình dáng, kích thước trong quá trình tu sửa.
Hiện tại, cảnh quan khuôn viên khu nhà đày luôn được dọn dẹp sạch sẽ, chỉn chu và tươm tất mỗi ngày. Không gian yên bình và tĩnh lặng nhưng không kém phần hào hùng. Giá vé tham quan với người lớn là 20.000 đồng; còn trẻ em là 10.000 đồng. Các du khách khi đến tham quan sẽ được thuyết minh, giải thích tường tận về lịch sử của nhà đày qua từng giai đoạn.
Võ Như Khánh (Ảnh: Nguyễn Quốc Bảo)