Cơ hội thâu tóm
Năm 1907, Mỹ chưa có ngân hàng trung ương để bơm thanh khoản vào thị trường nên mọi thứ càng trở nên hỗn loạn. Khách hàng bắt đầu ồ ạt rút tiền, đẩy không ít tổ chức cho vay tới kết cục đổ vỡ.
Năm 1908, William Durant đã thành lập GM tại vùng Flint, bang Michigan, với lĩnh vực hoạt động là sản xuất xe hơi. GM đã tận dụng cơ hội này để thâu tóm thêm cho mình nhiều công ty nữa. GM đã mua lại các thương hiệu xe hơi khác như Oldsmobile và Cadillac. Đến năm 1918, thương hiệu Chevrolet được bổ sung vào các dòng sản phẩm của công ty.
Năm 1929, thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, khởi đầu cho thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài 10 năm. Tuy nhiên, đây cũng là năm đánh dấu sự ra đời của một “đại gia” trong lĩnh vực hàng không. Hai công ty United Aircraft and Transport Corporation ban đầu là một hãng mẹ cho các công ty vận tải hàng không như United Airlines và các nhà sản xuất linh kiện máy bay, trong đó có cả hãng Boeing.
Tìm vận may trong khó khăn |
Đại khủng hoảng khiến hầu hết các ngành công nghiệp điêu đứng, nhưng thời gian đó lại được xem là “kỷ nguyên vàng” của ngành hàng không. Ngay trong năm đầu tiên thành lập, United Aircraft and Transport Corporation đã thâu tóm nhiều công ty khác và phải đối mặt với luật chống độc quyền của Mỹ.
Vào năm 1934, Boeing và United Airlines trở thành hai công ty riêng rẽ, còn United Aircraft and Transport Corporation trở thành tập đoàn United Technologies ngày nay - một hãng sản xuất công nghiệp với nhiều lĩnh vực hoạt động, nhưng chủ yếu vẫn là công nghiệp hàng không.
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đang diễn ra như giọt nước làm tràn ly đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề, khiến nhiều doanh nghiệp phải sáp nhập. Tập đoàn Sony đã sáp nhập vào Công ty Truyền thông AB L.M. Ericsson từ tháng 9/2001. Tại thời điểm đó, Ericsson bị Nokia cho ra rìa. Không thể ngồi một bên khi thị phần đang dần rơi vào tay đối thủ cạnh tranh Nokia, Ericsson buộc phải tự tìm lối thoát cho mình.
Theo đó, những người đứng đầu của Ericsson đã nghĩ tới hình thức sáp nhập và mua lại như một phương thức cứu cánh cho hãng. Còn đối với Sony, với tham vọng mở rộng và bành trướng lĩnh vực kinh doanh, đã hướng tới kết hợp với Ericsson như mục tiêu và kỳ vọng mới. Có lẽ nhờ thế mà hai ý tưởng lớn gặp nhau.
Sự sáp nhập giữa công nghệ điện thoại Ericsson và khả năng chinh phục khách hàng của Sony không tránh khỏi sự tò mò trong giới kinh doanh, Sony Ericsson đã lấy lại vị thế.
Một trong những thương vụ phải kể đến việc Fiat - hãng sản xuất ôtô của Ý đã mua lại cổ phần của hãng sản xuất ôtô lớn thứ ba của Mỹ là Chrysler sau khi hãng này đệ đơn xin bảo hộ phá sản.
Chrysler đã bất ngờ công bố đã đạt được thỏa thuận sáp nhập với Fiat, trong đó hãng xe của Ý ban đầu sẽ nắm giữ 20% cổ phần trong Chrysler. Fiat được nắm giữ lượng cổ phần lên tới 35% trong Chrysler nếu hãng xe Italy này đầu tư vào hoạt động tại thị trường Mỹ và chuyển giao công nghệ sản xuất xe kích thước nhỏ cho Chrysler.
Công ty công nghệ ra đời
Cuộc khủng hoảng là cơ hội cho những ngành nghề mới ra đời. Tabulating Machine Company, International Time Recording Company và Computing Scale Corporation đã phát triển những công nghệ được cần tới cả khi kinh tế xuống dốc. Năm 1911, 3 công ty này hợp nhất với cái tên Computing-Tabulating-Recording Company và nhiều năm sau đổi tên thành IBM.
Những công ty ra đời trong khủng hoảng |
Khoảng thập niên 1960-1970, IBM đã trở thành nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới nhờ vào dòng máy tính cỡ lớn gọi là mainframe. Nhưng vào những năm 1980, máy tính cá nhân và máy chủ server đã dần thống lĩnh thị trường, khiến mainframe bị thất sủng. IBM tái cấu trúc tập đoàn theo hướng tập trung vào mảng tích hợp hệ thống và các dịch vụ đi kèm.
Đến thời của Tổng Giám đốc Sam Palmisano, IBM tiến vào các thị trường mới có biên lợi nhuận cao như siêu máy tính và phân tích, trở thành nhà cung cấp các dịch vụ công nghệ lớn nhất thế giới. Năm 2011, doanh thu của IBM đã vượt 107 tỷ USD. Suốt giai đoạn khủng hoảng, trong khi hầu hết công ty công nghệ chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh thì IBM đã tăng EPS tới 23% trong năm 2008 và 13% năm 2009.
Tận dụng công nghệ, Airbnb và Uber là 2 cái tên nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này. Airbnb là một dịch vụ chia sẻ chỗ ở, ra đời năm 2008, giúp kết nối giữa những người cho thuê chỗ ở với những người có nhu cầu như khách du lịch. Dịch vụ này nhanh chóng bùng nổ. Airbnb đã có mặt tại hơn 33.000 thành phố ở 192 quốc gia, đến nay đã được định giá tối thiểu tới 30 tỷ USD.
Tương tự, Uber là một dịch vụ chia sẻ xe, kết nối những người muốn đi nhờ xe với những người sở hữu phương tiện di chuyển rảnh rỗi. Startup đình đám này ra đời năm 2009, hiện có mặt tại hơn 250 thành phố trên toàn cầu, trở thành startup được định giá cao nhất thế giới: 68 tỷ USD.
Tương tự, Square, công ty thanh toán trực tuyến ra đời trong cuộc suy thoái toàn cầu 2009. Công ty này cung cấp cho khách hàng một chiếc ví điện tử chứa toàn bộ các thông tin chi tiết về thẻ tín dụng cũng như các chính sách dành cho khách hàng thân thiết và khách hàng có thể truy cập vào đây từ điện thoại di động. Chỉ mới hơn một năm sau khi thành lập, Square đã tăng tổng số máy đọc thẻ tại Mỹ thêm 1/6. Sau đó, Square được định giá 9,75 tỷ USD.
Nam Việt