Jeong Wook, nhân viên văn phòng 42 tuổi, thường xuyên dùng bữa tại một nhà hàng Trung Quốc nhưng không biết mặt của người phục vụ. Đó là vì anh thường chọn món ngay tại ki-ốt trên mỗi bàn. Những thiết bị đầu cuối tự động này cho phép khách hàng đặt món và nhận thông báo khi đồ ăn sẵn sàng. Họ sẽ nhận đồ tại quầy.

Park, chủ nhà hàng, lắp đặt ki-ốt từ tháng 6/2021. Kinh doanh trong khu vực đông dân cư với nhiều tòa văn phòng, nhà hàng ghi nhận lượng thực khách giảm mạnh trong suốt dịch Covid-19 nên không đủ chi phí thuê nhân viên. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ông chủ 48 tuổi quyết định sửa sang lại cơ sở, lắp đặt mỗi bàn một ki-ốt, chỉ tuyển dụng hai đầu bếp chính và giảm nhân viên phục vụ từ 2 xuống 1.

Ông thừa nhận sử dụng ki-ốt là một trong những lựa chọn sáng suốt nhất của mình trong gần hai thập kỷ kinh doanh nhà hàng. 

Ki-ốt kỹ thuật số xuất hiện ngày càng nhiều tại các nhà hàng Hàn Quốc. (Ảnh: Samsung).

Ngày nay, ki-ốt không còn giới hạn ở các khu vực trung tâm, nơi tập trung đông nhân viên và cư dân thành thị trẻ tuổi. Nó đã xuất hiện tại các cửa hàng nhượng quyền và khu vực kinh doanh nhỏ hơn, định hình lại bức tranh bán lẻ và ăn uống trên khắp Hàn Quốc.

Theo Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc, số lượng ki-ốt tại các cơ sở dịch vụ ăn uống tăng từ 5.479 năm 2019 lên 87.341 năm 2022, tăng 15 lần chỉ trong ba năm. “Khảo sát cơ sở dịch vụ ăn uống năm 2022” của Viện kinh tế nông thôn Hàn Quốc cho thấy tỷ lệ các cơ sở sử dụng ki-ốt và hệ thống đặt món tự động khác tăng từ 1,5% lên 6,1% trong cùng kỳ.

Tốc độ lắp đặt ki-ốt tại những khu vực trung tâm sầm uất và thương hiệu nổi tiếng còn nhanh hơn nhiều. Những chuỗi nhượng quyền như McDonald’s, Burger King và Lotteria sử dụng ki-ốt điện tử từ năm 2015 với tỷ lệ hơn 70%.

Không chỉ tiết kiệm chi phí, ki-ốt còn mang đến lợi ích khác như đơn giản hóa việc đào tạo nhân viên, giảm lo ngại về giữ chân nhân viên, giảm xung đột tiềm ẩn giữa các cá nhân, theo báo cáo “Tác động của mở rộng ki-ốt với tuyển dụng nhà hàng” của Giáo sư Cho Joon-mo, Đại học Sungkyunkwan.

Tăng trưởng đột biến của ki-ốt số tương ứng với xu hướng lớn hơn, đó là gia tăng những nhà hàng một người (chủ kiêm nhân viên). Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc tháng 7/2023 chỉ ra số lượng các nhà hàng như vậy đã tăng thêm 44.000 so với một năm trước đó, đạt 4.383.000 vào tháng 7, mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó nâng tỷ lệ nhà hàng một người lên 75,8%.

Theo Giáo sư quản trị kinh doanh Suh Yong Gu, sự phổ biến của ki-ốt do nhiều yếu tố khác nhau, từ chi phí thuê nhà tăng, lương tối thiểu tăng, suy thoái kinh tế do Covid-19 và sự phát triển của lao động tự do.

Dù vậy, lo ngại cũng phát sinh khi ki-ốt xuất hiện rộng rãi hơn. Hạ nghị sĩ So Byung-hoon của Đảng dân chủ đề xuất sửa đổi Đạo luật phúc lợi Người cao tuổi vào tháng 4 với mục tiêu bảo đảm người cao tuổi không hiểu biết công nghệ cũng có thể sử dụng ki-ốt dễ dàng.

Còn theo Giáo sư Lee Eun Hee từ Khoa Khoa học tiêu dùng thuộc Đại học Inha, ki-ốt mang đến lo ngại về phân biệt đối xử tiềm ẩn với những người kém kỹ năng số cũng như thay thế nhân viên lương thấp, tay nghề thấp trên thị trường lao động.

(Theo Korea Joongang Daily)