Tổ chức như ngân hàng thật
Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM và Công an quận Tân Phú đã làm rõ về cách thức, thủ đoạn của “tập đoàn” giả ngân hàng lừa đảo do Nguyễn Hoàng Thạch (28 tuổi, quê Đồng Nai) cầm đầu.
Đại tá Lại Phước Xuân - Trưởng Công an quận Tân Phú, cho biết, “đây là ổ nhóm quy mô, giả ngân hàng Tiên Phong (tức TP Bank) để lừa đảo khắp các tỉnh, thành. Riêng tại TP.HCM, bước đầu đã xác định có khoảng 600 bị hại, cách thức và Thạch và đồng bọn rất chuyên nghiệp, bài bản”.
Công an làm rõ, tại căn nhà thuê số 48 đường Trần Quang Quá, phường Hiệp Tân, Thạch thuê 82 người, tổ chức hoạt động như một ngân hàng thật. 70 người được Thạch phân công nhiệm vụ gọi điện tư vấn dẫn dụ khách, còn 12 người có nhiệm vụ tổng hợp số liệu bị hại, kiểm tra việc khách hàng thanh toán phí bảo hiểm qua bưu điện.
Thạch trả lương các nhân viên 8 – 12 triệu đồng/tháng, còn được hưởng theo doanh số 100 – 130 ngàn đồng/đơn.
“Tại ba tầng nhà, Thạch bố trí nhân viên thành các bộ phận khác nhau, rất kín kẽ, không được tiếp xúc, chia sẻ công việc cho nhau và Thạch cũng đề ra quy định đối với nhân viên là cấm kể về công việc cho người thân, bạn bè”, một điều tra viên chia sẻ.
Hàng ngày, Thạch giao cho các nhân viên các danh sách khách hàng có sẵn tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ… mà Thạch đã mua từ một số đối tượng trên mạng xã hội. Theo đó, những nhân viên dùng điện thoại bàn gọi cho khách hàng, theo quy định là 50 người/ngày, xưng là nhân viên ngân hàng TP Bank, để tư vấn vay tiền với lãi suất 0%, thủ tục nhanh gọn.
Điều tra viên cho biết thêm, các đối tượng đưa ra thông tin gian dối, tư vấn cho vay 20 – 100 triệu đồng, lãi suất 0%, nhưng khách hàng phải đón phí bảo hiểm 1,7 – 3,9 triệu đồng, tuỳ vào hạn mức vay. Nếu khách hàng đồng ý, các đối tượng giả nhân viên TP Bank này sẽ lấy thông tin, in ấn giả hồ sơ vay vốn và gửi qua mạng zalo thường xuyên để tạo dựng lòng tin.
Nhóm của Thạch đặt làm giả thẻ ATM. Chúng thông báo với khách hàng, khoản vay được gửi vào thẻ ATM này, khách hàng khi nhận thẻ qua đường bưu điện mới thanh toán khoản bảo hiểm.
Nhóm của Thạch thuê dịch vụ chuyển phát nhanh tại bưu cục Minh Phụng (đường Hậu Giang, phường 5, quận 6), đồng thời nhờ thu hộ khoản phí bảo hiểm. Khách hàng nhận hồ sơ, thẻ ATM gửi đến, liền đóng tiền bảo hiểm là tiền mặt cho nhân viên bưu cục và nhóm của Thạch liên hệ với phía bưu cực để nhận lại sau.
"Chúng đánh vào tâm lý của bị hại để hoạt động phạm tội. Nhiều người cứ nghĩ rằng, số tiền bị lừa không lớn, chỉ vài triệu đồng nên không trình báo công an, từ đó chúng càng tổ chức quy mô, hoạt động bất chấp”, điều tra viên chia sẻ.
Những kịch bản tinh vi, khó tin
Khi công an ập vào kiểm tra ngôi nhà vào chiều 26/9, ở cả ba tầng có cả trăm nhân viên ngồi gọi điện, nhập liệu máy tính, không khí làm việc rất nghiêm túc.
Q. (22 tuổi) là một nhân viên, kể: "Theo quy định hàng ngày Q. phải gọi 50 người, trong đó có chừng 2 – 3 người… sập bẫy. Vì mới làm một tuần, chưa quen việc nên Q. dán nội dung bài bản ngay bàn làm việc, trước mặt để nắm bắt, dễ dàng dụ dẫn khách".
Nếu khách hàng nào đồng ý vay tiền, những nhân viên như Q. sẽ chuyển cho bộ phận thẩm định. Chính bộ phận này sẽ liên lạc khách hàng khai thác thông tin, làm hồ sơ vay và thẻ ATM giả.
Một ổ nhóm lừa đảo khác cũng giả nhân viên ngân hàng TP Bank mà Công an huyện Bình Chánh triệt phá gần đây cũng cho thấy cách thức lừa đảo tinh vi, khó lường. Đối tượng Nguyễn Quốc Đạt (23 tuổi) và Lê Thị Thanh Sáu (32 tuổi, ngụ quận Tân Phú) thuê những nhân viên 16 – 18 tuổi, hàng ngày gọi khắp nơi, xưng là nhân viên TP Bank để gạ vay vốn 0 đồng.
Chỉ nhen nhóm mới hoạt động, quy tụ chưa đến 10 nhân viên nhưng nhóm của Đạt và Sáu cũng chia thành những bộ phận khác nhau như: Tư vấn, thẩm định, giải ngân…. như một ngân hàng thật.
Cán bộ điều tra công an huyện Bình Chánh cho biết, ổ nhóm vài người này, hàng ngày gọi cả trăm cuộc khắp các tỉnh, thành để lừa. Nếu không kịp phát hiện, chúng tiếp tục biến tướng, trở thành quy mô hàng chục, hàng trăm người, mức độ lửa đảo rổng khắp và công an tỉnh nghi nhóm này có liên hệ, ít nhất là từng hiểu cách thức với “tập đoàn” giả mạo TP Bank ở quận Tân Phú do Thạch cầm đầu như nói trên.
Đại diện Công an quận Tân Phú khuyến cáo, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, mạng viễn thông ngày càng tinh vi, có những thủ đoạn khôn lường, người dân cần đặc biệt cảnh giác. Với những tin nhắn, cuộc gọi tư vấn vay tiền đến số điện thoại, người dân không nên tin theo.
Hiện các quỹ tín dụng, các gói vay của ngân hàng đã dễ dàng tiếp cận, người dân nếu có nhu cầu cần đến trực tiếp các ngân hàng để được tư vấn, thực hiện các thủ tục theo quy định.