Hà Nội: Kích hoạt mức phòng, chống dịch cao nhất

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, quan điểm của thành phố Hà Nội là không để đứt gãy chuỗi sản xuất, nên các doanh nghiệp phải kích hoạt mức phòng, chống dịch cao nhất, xây dựng kịch bản để chủ động ứng phó, xử lý khi có lao động mắc COVID-19.

Riêng cụm công nghiệp Thanh Oai cần lập trạm kiểm soát việc ra-vào cụm, cũng như xây dựng tường bao, rào chắn nhằm quản lý chặt chẽ người ra-vào cụm công nghiệp; từ đó ngăn ngừa không để dịch bệnh tấn công, làm đứt gãy nền kinh tế.

{keywords}
Kích hoạt giải pháp phòng, chống dịch cấp bách, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Ảnh minh họa Phạm Hải

Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp nắm chặt thông tin và yếu tố dịch tễ của người lao động hàng ngày, tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ dương tính với COVID-19 tại doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm những biện pháp phòng dịch như phun khử khuẩn xe ôtô chở hàng tới khu vực sản xuất; công nhân đeo khẩu trang khi làm việc, được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay tại cổng cụm công nghiệp... 

Doanh nghiệp sử dụng hệ thống truyền thanh nội bộ để hàng ngày tuyên truyền các biện pháp phòng dịch; khuyến khích công nhân cài Bluezone trên smartphone để kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến dịch COVID-19.

"Để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, bên cạnh việc phát khẩu trang cho người lao động, công ty còn phát Vitamin C miễn phí cho công nhân để nâng cao sức đề kháng trước dịch bệnh", ông Lê Quý Khả, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tomeco An Khang chia sẻ. 

Đối với các trường hợp mắc COVID-19, các doanh nghiệp sản xuất phối hợp với ngành y tế truy vết các đối tượng tiếp xúc; lập danh sách người lao động, chuyên gia đang cư trú trên địa bàn thường xuyên di chuyển, giao thương tại các địa điểm ở địa phương lân cận có xuất hiện ca lây nhiễm, qua đó chủ động giám sát khi có các ca bệnh.

Nghệ An: Thành lập “đội đặc nhiệm” phòng, chống dịch tại chỗ

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đề nghị Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, Công đoàn ngành phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập bộ phận phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp, gọi tắt là “Tổ An toàn COVID-19”.

Ngay từ đầu năm 2021, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Masan MB đã khởi động hệ thống phòng dịch như phòng Y tế khám, phân loại ban đầu các công nhân có dấu hiệu ho, sốt; tại nhà ăn có vách ngăn, khi ăn ca cũng chia thành nhiều đợt.

Công ty thành lập “đội đặc nhiệm” để triển khai các công việc phòng, chống dịch tại chỗ. Mọi thông tin được trao đổi nhóm Zalo của từng tổ để triển khai kịp thời đến đoàn viên, người lao động.

100% công nhân vào công ty làm việc phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Hàng ngày, khi công nhân hết giờ làm, công ty tổ chức khử khuẩn toàn bộ công ty. Đặc biệt công ty còn hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công ty Cổ phần Chế biến Khoáng sản Tân Kỳ thành lập “Tổ An toàn COVID-19” với nòng cốt là tổ trưởng Công đoàn, an toàn vệ sinh viên. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Công ty đã xây dựng kịch bản với 5 cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất là phát hiện trường hợp mắc COVID-19, chuẩn bị đầy đủ về nhu yếu phẩm cho trường hợp bị phong tỏa. 

Hằng ngày, “Tổ An toàn COVID-19” trong các doanh nghiệp khu công nghiệp tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc; theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khỏe và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở hai vòng (cổng doanh nghiệp và trong nhà xưởng) cũng như phát hiện nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền địa phương và quy chế của doanh nghiệp.

Cần Thơ: Hệ thống phản ứng nhanh và các tổ COVID-19 cộng đồng liên tục rà soát

Mặc dù trên địa bàn thành phố Cần Thơ chưa có trường hợp mắc COVID-19 cộng đồng, nhưng hiện nay, thành phố đang đối diện với nguy cơ dịch bệnh rất cao.

Sáng 28/5, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố kích hoạt lại hệ thống kiểm soát dịch bệnh ở 5 điểm cửa ngõ thành phố như siêu thị GO, Bến xe Trung tâm thành phố, Bến tàu Cần Thơ-Côn Đảo, Thốt Nốt (từ An Giang về Cần Thơ) và Vĩnh Thạnh (từ Kiên Giang về Cần Thơ). Riêng sân bay Cần Thơ thì lực lượng túc trực 24/24 giờ.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 6 khu công nghiệp với 170 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp đến tháng 5/2021 trên 35.000 lao động; trong đó, lao động tại các doanh nghiệp FDI trên 13.000 người, số lao động nước ngoài là 77 người. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Phạm Phú Trường Giang cho biết, hệ thống phản ứng nhanh phòng, chống dịch và các tổ COVID-19 cộng đồng hoạt động liên tục rà soát người mới đến lưu trú trên địa bàn thành phố để kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc đi về từ vùng có dịch; đồng thời truy vết các trường hợp liên quan đến bệnh nhân COVID-19 và lấy mẫu xét nghiệm thực hiện cách ly theo quy định.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Cần Thơ đang phối hợp với Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ và các sở, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp tại khu chế xuất và công nghiệp Trà Nóc, Hưng Phú, Thốt Nốt.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ phối hợp rà soát, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên đối với người lao động tại các doanh nghiệp, khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Đồng thời phối hợp với Sở Công Thương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho công nhân.

Đoàn Bổng