Tại hội thảo Quản lý rác thải, nước thải vì sự phát triển bền vững và vai trò của KTNN ngày 19/9, TS. Nguyễn Minh Phong dẫn số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường), cho biết, giai đoạn 2016-2018, cơ quan này đã phát hiện, tiếp nhận và chỉ đạo, phối hợp xử lý 80 điểm nóng, vụ việc ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước.

Trong đó, năm 2016 có 50 vụ việc, năm 2017 có 20 vụ việc và năm 2018 có 15 vụ việc.

Một số điểm nóng gây ô nhiễm, sự cố về môi trường khiến dư luận từng “dậy sóng” như vụ sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hóa chất thải ra từ nhà máy của công ty bột ngọt Vedan suốt 14 năm liền; vụ ô nhiễm môi trường biển bởi Formosa vào năm 2016; ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí bởi nhiệt điện Vĩnh Tân; sự cố vỡ đập chứa Gyps thải của Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem (Lào Cai) tháng 9/2018,...

{keywords}
Rác thải đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống và sự phát triển bền vững của Việt Nam (ảnh minh họa)

Chưa kể, đó là vụ việc Lọc hóa dầu Nghi Sơn xả trái phép hơn 42.000 m3 nước thử thủy lực đường ống dẫn dầu thô ra biển; sụt lún gần hồ bùn đỏ, sự cố tràn bùn tại Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV; ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất ván ép tại xã Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội); ô nhiễm môi trường tại Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam (Hậu Giang) vào tháng 3/2018; tồn đọng lượng lớn phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển...

Ông Phong nhận xét, các điểm nóng về môi trường gây ra những tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe người dân, gia tăng gánh nặng chi phí, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội. Ở một số điểm nóng về rác thải sinh hoạt, người dân chặn đường không cho xe chở rác vào bãi xử lý khiến rác ùn ứ, gây ô nhiễm,...

Mỗi năm, có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, nếu không được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả sẽ là những nguy cơ rất lớn đến môi trường.

Trong khi đó, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho hay, thời gian qua, KTNN Việt Nam đã từng bước thực hiện kiểm toán môi trường, chẳng hạn như: Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; các vấn đề về nước sông Mê Kông; kiểm toán chuyên đề về quy hoạch đô thị, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản…; các dự án xả thải của các nhà máy, khu công nghiệp...

Tuy nhiên, lãnh đạo KTNN thừa nhận kiểm toán môi trường vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, ít kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập nên kết quả kiểm toán chưa được như kỳ vọng.

{keywords}
KTNN cho hay chưa có các hướng dẫn, quy trình cũng như những quy định kiểm toán môi trường nói chung và kiểm toán quản lý rác thải, nước thải nói riêng

Lý do, theo ông Đoàn Xuân Tiên, là những năm qua, KTNN chủ yếu tập trung kiểm toán ngân sách nhà nước, đầu tư dự án, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước; đội ngũ cán bộ của KTNN còn thiếu trong một số lĩnh vực chuyên sâu về môi trường và chưa có kinh nghiệm về kiểm toán môi trường; qua một số cuộc kiểm toán môi trường thí điểm, kiểm toán viên gặp phải nhiều khó khăn đến từ các đơn vị được kiểm toán do nhận thức của các đơn vị được kiểm toán còn hạn chế, chưa nhận thức được vai trò của KTNN trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 

Ông Nguyễn Lệ Sơn, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV, thông tin thêm, trong hai năm 2017-2018, KTNN đã thực hiện 18 cuộc kiểm toán chuyên đề về môi trường, trong đó, nhiều cuộc kiểm toán môi trường có liên quan đến vấn đề chất thải các loại. Năm 2019, ngành tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán môi trường.

Trong đó, chú trọng kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; kiểm toán việc quản lý xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội; Việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải tại Hà Nội giai đoạn 2014-2018.

“Đây là kinh nghiệm thực tiễn quý báu để thực hiện những cuộc kiểm toán liên quan đến vấn đề chất thải và phát triển hướng dẫn chung của ngành”, ông Sơn nhận xét.

Ngoài ra, KTNN Khu vực IV cũng đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2020 về kiểm toán hoạt động quét, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2019; các lĩnh vực khác liên quan đến vấn đề chất thải như nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, ô nhiễm không khí khu vực đô thị, chất thải rắn y tế, chất thải rắn nguy hại.

Ông Sơn cho hay: “Chúng tôi xác định đây là những vấn đề kiểm toán rất tiềm năng, có liên quan chặt chẽ đến dân sinh, được dư luận quan tâm và có thể thực hiện các cuộc kiểm toán này trong tương lai”.

Hàng năm, trên cả nước sử dụng hơn 100 nghìn tấn hoá chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại. Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh trên 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế; 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý.

Ngọc Hà