Dấu hiệu bất thường

Mới đây, một vị chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ cảm giác “bất thường” khi ông trở thành cán bộ chủ chốt cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước nhận được tới 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp tại đợt lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 nhân sự đảm nhiệm các vị trí do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn.

Từ phương diện cá nhân, vị Chủ tịch cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với mình “bất thường” vì ông luôn nhận được số phiếu tín nhiệm cao trong những lần lấy phiếu trước đây. Cũng theo ông, về đạo đức, lối sống cá nhân thì ông không gây ra điều tiếng gì trong thời gian gần đây. Liên quan đến công vụ, theo Báo cáo do ông trình bày trước HĐND thì tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua không có gì bất thường và cũng chưa thấy vấn đề gì nổi cộm trong thực thi nhiệm vụ của một Chủ tịch UBND tỉnh.

Những người quan tâm cũng thấy ngạc nhiên bởi cả ba Phó chủ tịch, cấp dưới trực tiếp của ông, đều chỉ nhận 03 phiếu tín nhiệm thấp trong cùng đợt lấy phiếu, tức là tỷ lệ rất thấp so với Chủ tịch. Thực tế này gây thắc mắc bởi ba cán bộ cấp dưới đều là những người thừa hành các chỉ đạo, quyết định của tập thể Ban lãnh đạo địa phương và trực tiếp hơn là từ chính ông Chủ tịch.

Trên thực tế, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khá tích cực, tăng trưởng cao, thu ngân sách top đầu,...

vinh phuc.jpg
Ảnh: Báo Lao động

 “Lấy phiếu tín nhiệm” là một chủ trương quan trọng của Đảng trong tiến trình đổi mới công tác cán bộ trong toàn hệ thống chính trị ở nước ta. Chủ trương này được thể chế hóa thông qua các Quy định số 262-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 08/10/2014; Quy định số 96-QĐ/TW, ban hành ngày 2/2/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; và các Nghị quyết của Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm trái với suy nghĩ của ông Chủ tịch và sự khác biệt lớn về tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp giữa cấp Trưởng và các cấp Phó trong trường hợp nêu trên hẳn nhiên gây ra những bàn tán. Theo logic thông thường, phải chăng vị Chủ tịch đã có những biểu hiện gì đó khiến ông mất uy tín chính trị rõ rệt như vậy? Ngược lại, nếu ông không có vi phạm và không để xảy ra các vấn đề nghiêm trọng trong thực thi chức trách, nhiệm vụ thì giải thích thế nào cho thuyết phục về kết quả lấy phiếu tín nhiệm quá khác biệt đối với ông?

Uy tín và kết quả công việc

Theo Quy định 96-QĐ/TW, một trong những mục đích chính của lấy phiếu tín nhiệm là “đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ”. Hai nhóm tiêu chí được sử dụng để đánh giá bao gồm: “Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật” và “Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”. Nếu các tiêu chí về phẩm chất cá nhân thiên về định tính thì các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ lại có thể lượng hóa cụ thể.

Như vậy, theo tư duy duy lý thông thường, nếu cán bộ không vi phạm các quy định về phẩm chất cá nhân và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ gắn với vị trí đang đảm nhiệm thì sẽ rất khó bị tín nhiệm thấp, tức là họ sẽ luôn có thể nhận được các phiếu đánh giá ở mức tín nhiệm và tín nhiệm cao. Khi mối quan hệ theo chiều thuận này không xảy ra, tức là số phiếu tín nhiệm thấp chiếm tỷ lệ cao đột biến thì sẽ trái với kỳ vọng của nhiều người, cho nên dễ bị coi là “bất thường”.

Trên thực tế, do những đặc điểm cố hữu của hành vi bỏ phiếu, các tình huống kết quả phiếu bất thường hoàn toàn có thể xảy ra. Theo đó, dù trong bất cứ hệ thống chính trị nào, hành vi bỏ phiếu của mỗi cá nhân luôn có thể bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là lợi ích, quan điểm, cảm xúc và định kiến cá nhân. Chính ba yếu tố chủ quan này có thể dẫn đến những kết quả phiếu trái với kỳ vọng của nhiều người, vốn tư duy theo logic hành vi duy lý.

Quy định 96-QĐ/TW nêu bật các quan điểm và nguyên tắc then chốt đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, đó là “dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch”. Thực hiện tốt các nguyên tắc này, kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được gia tăng tính hợp lý, đúng đắn, chính đáng, và thuyết phục, phản ánh chính xác sự thể hiện của cán bộ được lấy phiếu trong việc rèn luyện và giữ gìn phẩm chất cá nhân cũng như thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những chia sẻ của vị Chủ tịch trong tình huống trên đây lại trái ngược với những nhận định, đánh giá trong Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh. Theo đó, quá trình thực hiện và kết quả lấy phiếu tín nhiệm được khẳng định là dân chủ, khách quan, công tâm, trung thực, công khai, minh bạch. Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh là một văn bản pháp lý, thể hiện ý chí của các đại biểu và khẳng định tính hợp pháp của kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Xác minh kết quả lấy phiếu

Theo Quy định 96-QĐ/TW, kết quả lấy phiếu tín nhiệm nêu trên sẽ có ảnh hưởng rất khắc nghiệt tới sự nghiệp của cá nhân vị Chủ tịch: ông có thể phải xin từ chức hoặc bị đưa ra HĐND để bỏ phiếu tín nhiệm. Những thông tin đến nay trên báo chí cho thấy các cơ quan của tỉnh đang xem xét đề nghị phúc tra kết quả lấy phiếu, có thể làm rõ vấn đề bất thường về kết quả phiếu tín nhiệm thấp của ông Chủ tịch.

Nhận thức về nguy cơ “bất thường” trong quá trình triển khai lấy phiếu tín nhiệm. Quy định 96-QĐ/TW “nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ”. Cũng có nghĩa, khi xuất hiện những dấu hiệu khác lạ thì công việc thẩm tra, xác minh có thể được triển khai.

Một trong những biện pháp thực chứng và khách quan nhất để có thể xác minh tính hợp lý của các kết quả lấy phiếu tín nhiệm “bất thường” là kiểm tra xem các đại biểu có chất vấn các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của người được lấy phiếu hay không. Quy định 96-QĐ/TW yêu cầu: “Khi có vấn đề cần làm rõ thì người ghi phiếu đặt yêu cầu bằng văn bản đối với người được lấy phiếu (qua cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ) chậm nhất là 10 ngày trước ngày lấy phiếu tín nhiệm”.

Nếu các đại biểu đã nêu ra các vấn đề rõ ràng và gửi văn bản chất vấn nhưng Báo cáo và giải trình của người được lấy phiếu chưa thuyết phục thì sẽ là một căn cứ then chốt để nhận định về mức độ hợp lý của kết quả phiếu tín nhiệm thấp.

Ngược lại, nếu các đại biểu không hoặc rất ít chất vấn, không nêu ra được vấn đề cụ thể mà người được lấy phiếu phải chịu trách nhiệm thì sẽ là cơ sở quan trọng cho những nhận định về dấu hiệu “bất thường” của kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với vị Chủ tịch UBND tỉnh trên đây đang trở thành một diễn biến thực tế cần quan tâm trong quá trình hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ ở nước ta trong thời gian tới.

Thách thức đặt ra không chỉ là bảo đảm quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, công tâm, chính xác, mà còn làm thế nào để có thể xác minh và khẳng định sự hợp lý, đúng đắn, và thuyết phục của kết quả lấy phiếu kể cả khi không như kỳ vọng.

TS Nguyễn Văn Đáng