Xem lại bài 1: Nạn kẹt xe và đội vốn đầu tư ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng

Như vậy, cần có quyết tâm chính trị đặc biệt cao bên cạnh chương trình phát triển cơ sở hạ tầng tổng thể.

Những trường hợp thành công

Xin nhắc lại mô hình tạo vốn từng được áp dụng thành công những năm 2000. Đường Nguyễn Hữu Thọ từ Quận 7 đi Quận Nhà Bè, chiều dài khoảng 7,5km, rộng 60m. Khi phê duyệt dự án, chính quyền hồi đó đã thu hồi thêm đất dọc hai bên đường để thành 75m mỗi bên và đấu giá chỗ đất này lấy tiền làm đường. Tổng cộng 90ha đất đã được tạo ra, trong đó một phần dành tái định cư cho người dân ảnh hưởng giải tỏa trong dự án, một phần bán đấu giá. Tổng kinh phí đầu tư cho 2 giai đoạn làm đường, dự kiến 429 tỉ đồng nhưng nhưng lúc đó chỉ mới bán đấu giá một phần các khu đất đã thu về 436 tỉ đồng.

nguyen van linh.jpeg
Đại lộ Nguyễn Văn Linh - thành phố Hồ Chí Minh

Một ví dụ khác là đại lộ Nguyễn Văn Linh dài gần 18km được bố trí luôn hai nhánh đường dọc dải phân cách rộng mấy chục mét ở giữa. Phần đất đó được dành cho các tuyến giao thông công cộng trong tương lai để sau này không phải giải tỏa. Chủ đầu tư khai thác quỹ đất trong thời gian ngắn đã đủ vốn làm đường có lộ giới 120m.

Từ kinh nghiệm khai thác quỹ đất dọc dự án giao thông như kể trên, TP.HCM nên khởi động lại các cách làm cũ trên để hoàn thiện hạ tầng giao thông.

Khi bồi thường cho dân, cần linh hoạt cho người dân hoán đổi đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác lấy đất ở. Ví dụ, người dân có 500m2 đất nông nghiệp, đất vườn bị thu hồi làm dự án nếu không nhận tiền có thể nhận đất ở có sẵn cơ sở hạ tầng tùy vị trí khoảng 50-100m2 hay hơn nữa. Được vậy sẽ giúp tận dụng đất công để hóa giải bài toán kinh tế cho dự án giao thông, hoán đổi và khai thác quỹ đất.

Với các dự án Metro, nên giải phóng mặt bằng càng sớm càng tốt, thậm chí thực hiện ngay trong giai đoạn quy hoạch để các nhà đầu tư tư nhân xây dựng các trung tâm thương mại và chung cư, cao ốc văn phòng trước. Các dự án hoàn thành sẽ phát huy ngay hiệu quả. Có thể áp dụng phương thức nhượng quyền, ủy thác cho tư nhân quản lý và khai thác để lấy vốn tái đầu tư thông qua chính sách ưu đãi.

Chủ yếu tập trung huy động vốn trong nước từ các ngân hàng, những doanh nghiệp tiềm năng, phát hành trái phiếu có bảo lãnh rủi ro để hạn chế sử dụng quá nhiều vốn nước ngoài cũng đồng nghĩa giảm phụ thuộc phần lớn khối lượng công việc và công nghệ.

Coi trọng đầu tư tư nhân

Chi phí đầu tư công quá cao đang tạo gánh nặng ngân sách, những dự án thực hiện chưa đồng bộ sẽ không phát huy hết hiệu quả, lợi ích mà các dự án mang lại không đủ bù cho chi phí sử dụng.

Sai lầm trong quyết định đầu tư, thiếu sót trong tổ chức thực hiện và không loại tham nhũng trong đầu tư xây dựng,… là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu vốn, công trình kém chất lượng.

Cần thiết kế một quy trình mới hướng đến xã hội hóa và ngân sách làm vốn mồi. Trước khi chấp thuận chủ trương, phê duyệt dự án lớn phải đặt câu hỏi dự án này đã thực sự cấp thiết hơn những dự án khác? Liệu có khả năng xã hội hóa? Đầu tư công chiếm bao nhiêu phần trăm vốn trong dự án để thu hút được nguồn lực tư nhân?  

Vì vậy, nên thành lập tổ công tác độc lập gồm các chuyên gia, nhà kinh tế, luật sư để phản biện các dự án. Chủ đầu tư cần giải trình, chứng minh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Hình thành nguyên tắc điều chỉnh tăng vốn, ngân sách cứng trong các hoạt động đầu tư công, phân bổ vốn theo cơ chế thị trường. Cương quyết từ chối bất kỳ hình thức điều chỉnh chi phí đầu tư nào, nếu có không thay đổi lớn về quy mô dự án.

Công bố dự toán các dự án đầu tư công cho phép so sánh kết quả sau khi thực hiện so với những dự án có quy mô mà các chủ đầu tư và nhà thầu khác nhau đã thực hiện. Tổ chức, cá nhân liên quan buộc phải giải trình nếu có sự chênh lệch lớn.

Xác định cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm với dự án đầu tư. Bố trí đầu tư không vượt quá khả năng thực hiện, khả năng hấp thụ vốn. Cần đình hoãn những dự án không thật sự cần thiết.

Chỉ khởi công khi dự án được giải phóng mặt bằng ít nhất 80%, tránh tình trạng rào chắn thi công kéo dài chiếm dụng mặt đường vừa gây kẹt xe, ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến đời sống người dân.

Kỹ sư Trần Văn Tường