Tài xế Nguyễn Văn M. làm việc cho một công ty chuyên vận tải hàng hoá, thường chạy từ Bắc Ninh về Hải Phòng. Khi biết có thông tin đề xuất rút quyền dừng xe của thanh tra giao thông, anh M. đã có những chia sẻ thực tế.
Anh M. cho biết: “Quá trình lưu thông lắm lúc thấy phiền phức khi cảnh sát giao thông vừa kiểm tra, tiếp đến thanh tra giao thông vẫy, thậm chí đôi lúc lực lượng kiểm lâm cũng ra hiệu lệnh dừng. Tôi rất hiếm khi vi phạm nhưng mỗi lần phải dừng mất không ít thời gian, chậm thêm quá trình di chuyển”.
Từ thực tiễn của bản thân, anh M. cho rằng, đề xuất thanh tra giao thông không được dừng xe là hợp lý. Thanh tra giao thông chỉ có thể xử phạt đối với xe trong trạng thái tĩnh, đang đỗ, dừng và tại các trạm dừng nghỉ, bãi đỗ, hệ thống kiểm soát tải trọng...
Theo anh M. trong những trường hợp phát hiện xe quá khổ, quá tải, có thể gây hư hỏng cầu, đường thì lực lượng thanh tra cần phối hợp với cảnh sát giao thông để tiến hành dừng xe xử lý.
“Tuy nhiên, nếu chỉ để một lực lượng được phép dừng xe thì cần có cơ chế giám sát, tránh lộng quyền. Nhiều khi hai lực lượng đóng chốt gần nhau có thể còn… tự giám sát chéo. Giờ chỉ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, tôi e sẽ phát sinh những tiêu cực”, anh M. lo ngại.
Bạn đọc Nguyễn Hoàng Nam cũng ủng hộ nên bỏ quyền dừng xe của lực lượng thanh tra giao thông. Thậm chí bạn đọc này cũng cho rằng dần dần nên tính đến phương án cảnh sát giao thông chỉ dừng xe trong những tình huống khẩn cấp.
"Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng hệ thống camera để tổ chức phạt nguội, hạn chế lập chốt để tránh phiền hà cho người dân và các trường hợp lạm quyền hoặc lợi dụng khác", bạn đọc Hoàng Nam viết.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, cách đây 4 tháng tại hội thảo do Văn phòng Quốc hội tổ chức, ông đã có ý kiến chỉ nên giao một cơ quan thực hiện kiểm tra xe đang lưu thông trên đường.
“Thanh tra giao thông hoạt động theo Luật Thanh tra. Do đó, dự án Luật Đường bộ đề xuất thanh tra giao thông không được dừng xe theo tôi là hợp lý”, ông Liên nhận định.
Theo quy định, thanh tra giao thông xử lý giao thông phần tĩnh khi xe dừng, đỗ ở các trạm, bến, bãi... và chỉ được dừng xe trong 4 tình huống khẩn cấp. Thế nhưng ông Liên chỉ ra rằng, thực tế thời gian qua cho thấy quy định này chưa mang lại hiệu quả. Đặc biệt với tình trạng xe dù, xe hợp đồng diễn biến phức tạp như hiện nay.
Do đây không phải là 1 trong 4 trường hợp khẩn cấp thanh tra giao thông được dừng xe để kiểm tra. Vì thế, cứ thấy bóng dáng thanh tra giao thông thì các chủ xe lập tức cho xe di chuyển, thanh tra giao thông không thể “bắt tại chỗ hành vi sai phạm” của chủ phương tiện. Trong khi đó, tình huống này lẽ ra thanh tra giao thông phải được dừng xe để kiểm tra.
“Việc dừng xe để kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình tham gia giao thông nên được quy về một đầu mối thống nhất là cảnh sát giao thông. Trường hợp phát hiện vi phạm lực lượng thanh tra sẽ báo hoặc phối hợp với cảnh sát giao thông để tiến hành xử lý theo quy định”, ông Liên kiến nghị.
Ngoài ra, ông Liên cũng đề xuất, có thể giao cả phần xử lý giao thông tĩnh (xe dừng đỗ, tại các bến bãi…) cho lực lượng cảnh sát giao thông, công an xử lý.
“Khi có công an vào, các chủ xe, tài xế sẽ phải chấp hành. Lực lượng thanh tra giao thông phối hợp xử lý. Còn dự thảo luật nên quy định rõ việc thanh tra giao thông sẽ tập trung vào nhiệm vụ chính của mình trong lĩnh vực kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ, đào tạo, sát hạch lái xe...”, ông Liên bày tỏ.