Kiên Giang là tỉnh nằm ở tận cùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, có bờ biển hơn 200 km với hơn 140 hòn đảo nổi lớn, nhỏ; có 3 dân tộc chủ yếu là người Kinh, Khmer và Hoa. Dân số của tỉnh 1.776.725 người với 423.282 hộ, trong đó đồng bào Khmer chiếm 13,02%, người Hoa chiếm 2,02%, các dân tộc thiểu số khác chiếm 0,07%.
Trong quá trình phát triển, tỉnh Kiên Giang luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Việc nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Đồng bào Khmer ở Kiên Giang chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội còn khó khăn. Người Hoa cư trú ở các vùng giao thông thuận tiện, tập trung ở các thành phố, thị xã, thị trấn có hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội khá hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Cả 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trên địa bàn sinh sống hòa hợp, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; trong quá trình cộng cư, cả 3 dân tộc đều có sự giao lưu và giao thoa về mặt văn hóa. Trước khi có chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; từ sau khi có chính sách, Kiên Giang nhận được nhiều nguồn hỗ trợ đầu tư từ Trung ương, công tác xây dựng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao, phát triển phong phú, đa dạng.
Những năm qua Sở Văn hóa và Thể thao quan tâm đầu tư, thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh như: Bảo tồn và phát huy giá trị các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, Bảo tồn và phát huy giá trị các thể loại âm nhạc và sân khấu dân gian Khmer, Phục dựng nghệ thuật Rô băm của người Khmer, Xây dựng mô hình câu lạc bộ thanh niên Khmer học tập kỹ năng phát triển kinh tế gia đình và thực hiện nếp sống văn minh tại huyện Gò Quao… Tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ thực hiện Dự án bảo tồn và phát triển ấp văn hóa truyền thống dân tộc Khmer tại ấp Sua Đũa, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành với các hạng mục như: Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, Nhà truyền thống, Nhà ghe ngo… và không gian cảnh quan bao quanh ấp. Dự án đang trong giai đoạn triển khai xây dựng, mục tiêu trở thành điểm du lịch văn hóa, cũng là nơi vui chơi sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, chú trọng bảo tồn dân ca, dân nhạc, dân vũ, văn học dân gian của đồng bào Khmer, Hoa.
Hàng năm, duy trì tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng dân tộc Khmer từ cơ sở đến tỉnh và tham gia hội diễn khu vực, toàn quốc. Toàn tỉnh có 01 Đoàn Nghệ thuật Khmer, mỗi năm phục vụ đồng bào các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trên 70 suất diễn; có gần 10 đội văn nghệ quần chúng Khmer thường xuyên biểu diễn, giao lưu văn nghệ phục vụ nhân dân.
Đối với đồng bào người Hoa, hiện có trên 20 câu lạc bộ lân sư rồng hoạt động khá tích cực. Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo tổ chức kiểm kê các loại hình di sản văn hóa, nhiều chùa Khmer trong tỉnh còn lưu giữ được hàng trăm thư tịch cổ viết trên lá thốt nốt; một số chùa người Hoa còn lưu giữ được các bản khắc chữ là những hiện vật quý hiếm có giá trị về mặt lịch sử văn hóa. Năm 2017, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 02 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động văn nghệ dân tộc ở địa phương.
Song song đó, tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng. Toàn tỉnh có 76 chùa, tháp Khmer, trong đó nhiều chùa được trùng tu, tôn tạo khang trang, đặc biệt là 8 chùa, tháp đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Năm 2018 có 5 chùa Khmer (trong tổng số 10 di tích) được đưa vào dự án bảo tồn với nguồn vốn từ ngân sách 7 tỷ 799 triệu đồng, dự kiến thi công trong tháng 12/2018; bố trí 2 tỷ đồng hoàn thành dự án Bảo tồn và phát triển ấp văn hóa truyền thống dân tộc Khmer. Ngành Văn hóa và Thể thao cấp hơn 100 bộ âm thanh, nhạc cụ cho các đội văn nghệ quần chúng và 15 chùa Khmer; từ kinh phí của Nhà nước và nhân dân đóng góp, đến nay 24/75 chùa Khmer có ghe ngo, thường xuyên tham gia thi đấu các giải đua ghe ngo trong và ngoài tỉnh.
Việc bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống vùng đồng bào dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực. Các lễ hội truyền thống của người Khmer, người Hoa được các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi tổ chức. Tiêu biểu là Lễ hội Ok-Om-Bok của người Khmer huyện Gò Quao đã được nâng lên thành Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc, sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Định kỳ, tỉnh cử đoàn tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Đối với đồng bào người Hoa, hàng năm tổ chức một số lễ hội tại các chùa, đình, miếu… Vào ngày vía thần, từng bang tổ chức cúng tế trong ngôi chùa của bang mình và mời các bang khác đến dự, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, vừa là dịp để những người đồng hương có dịp gặp gỡ, giao hiếu với nhau…
Văn Hùng, Tuấn Anh, Thu Hằng, Bảo Phùng