Những năm gần đây, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh Kiên Giang có xu hướng giảm do nhiều nguyên nhân. Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động khai thác, tỉnh sẽ tổ chức cơ cấu nghề và đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển.
Vùng biển Kiên Giang là một trong những nơi có đa dạng sinh học, có nguồn lợi hải sản phong phú với khoảng 569 loài hải sản, trữ lượng hàng năm khoảng 278. 449 tấn, trong đó trữ lượng vùng bờ 95.089 tấn, vùng lộng 111.820 tấn và vùng khơi 71.531 tấn.
Kiên Giang cũng là một trong những tỉnh có ngư trường trọng điểm của cả nước, có nghề cá phát triển mạnh lâu đời, góp phần phát triển kinh tế cho ngư dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Hiện, đội tàu khai thác hải sản của tỉnh Kiên Giang có 9.783 chiếc, trong đó tàu đánh bắt hải sản 9.326 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản 457 chiếc. Đội tàu đánh bắt hải sản có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, hoạt động khai thác tại vùng khơi có 3.867 chiếc; tàu đánh bắt hải sản có chiều dài lớn nhất từ 12 đến dưới 15m, hoạt động khai thác tại vùng lộng có 1.545 chiếc; tàu đánh bắt hải sản có chiều dài lớn nhất từ 6 đến dưới 12m, hoạt động khai thác tại vùng ven bờ có 4.371 chiếc.
Những năm qua, mặc dù hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển tăng lên nhưng sản lượng khai thác của các đội tàu Kiên Giang nói chung và sản lượng khai thác ở vùng biển Kiên Giang liên tục suy giảm.
Theo báo cáo của tỉnh Kiên Giang cho biết, sản lượng thủy sản khai thác năm 2022 đạt 520.929 tấn; đến năm 2023, sản lượng thuỷ sản khai thác được chỉ đạt 437.199 tấn; và sang năm 2024, dự kiến sản lượng khai thác chỉ đạt 435.000 tấn.
Nguyên nhân là do cường lực đánh bắt chưa phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi; khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đặc biệt là đánh bắt hải sản bằng các nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.... đã ảnh hưởng đến sản lượng khai thác trong những năm gần đây.
Đứng trước những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành khai thác hải sản, để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sinh thái biển bền vững, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Theo Đề án, Kiên Giang sẽ thực hiện chuyển đổi một số nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường hệ sinh thái sang các nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng ít hơn hoặc chuyển một số tàu cá có nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang lĩnh vực khác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đồng thời, tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản như cào bờ, sử dụng xung điện trong khai thác, xâm hại nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản; có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính đối với những chủ tàu hoạt động khai thác hiệu quả, đúng pháp luật.
Kiên Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ chuyển đổi khoảng 107 chiếc làm nghề đánh bắt hải sản sang các nghề ngoài lĩnh vực đánh bắt hải sản để giảm số lượng tàu đánh bắt hải sản còn không quá 9.219 chiếc vào cuối năm 2025. Từ năm 2026 – 2030 sẽ chuyển đổi khoảng 594 chiếc làm nghề đánh bắt hải sản sang các nghề ngoài lĩnh vực đánh bắt hải sản để giảm số lượng tàu đánh bắt hải sản còn không quá 8.625 chiếc vào cuối năm 2030.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chuyển đổi 120 chiếc hoạt động vùng khơi làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ và nghề đánh bắt ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang làm các nghề khai thác thủy sản khuyến khích phát triển.
Đối với việc khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Kiên Giang, tỉnh sẽ mở rộng phạm vi khu vực cấm khai thác quanh năm và bổ sung khu vực cấm khai thác có thời hạn ở quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải); khoanh vùng bảo vệ toàn bộ khu vực từ vịnh Rạch Giá đến Hà Tiên, bờ đông Phú Quốc và quần đảo Nam Du.
Trong phạm vi vùng cấm khai thác có thời hạn, quy định cấm đối với một số nghề khai thác bao gồm nghề lưới kéo đáy (kéo đôi, kéo đơn), nghề lưới vây ánh sáng, nghề mành điện, nghề pha xúc, nghề chụp, nghề lú. Đây là những nghề khai thác gây rủi ro sinh thái cao đối với các loài hải sản sau mùa sinh sản làm ảnh hưởng tới lượng bổ sung hàng năm, gây giảm khả năng tái tạo nguồn lợi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2023, lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã sản xuất được gần 800.000 tấn thủy sản các loại, với tổng giá trị sản xuất đạt 33.474 tỷ đồng, trong đó, khai thác thủy sản là 437.199 tấn.
Hải Yến