Có ngư trường rộng, lượng tàu cá lớn nhất cả nước với 9.515 chiếc, song Kiên Giang cũng là một trong những "điểm nóng" về vi phạm khai thác IUU ở nước ta. 

Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu về khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng, truy xuất nguồn gốc từ khai thác; thực thi pháp luật nhằm khắc phục triệt để các hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện vấn đề này.

Dù vậy, kết quả chống khai thác IUU vẫn chưa được như mong đợi. Tỷ lệ tàu cá vi phạm vẫn cao, vẫn còn tàu “3 không”, tàu vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài…

Để giải triệt để vấn đề trên, thời gian gần đây, tỉnh Kiên Giang thực hiện một loạt các biện pháp chống khai thác IUU. 

Cụ thể, phối hợp với tỉnh Cà Mau và các lực lượng chức năng trên biển mở đợt tổng kiểm tra, kiểm soát tàu cá, tăng cường tuyên truyền tới từng ngư dân, mở lớp tập huấn cho ngư dân nhằm ngăn chặn vi phạm.

W-cang-ca-1.jpg
Kiên Giang thực hiện loạt biện pháp mạnh chống khai thác IUU.

Cuối tháng 9 vừa qua, Công an tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội nghị ký kết kế hoạch phối hợp với Công an các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh về đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác hải sản trái phép ở các vùng biển nước ngoài.

Mục đích của công tác phối hợp này nhằm đấu tranh, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của các tỉnh, thành phố vi phạm khai thác hải sản trái pháp luật ở vùng biển nước ngoài và quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.

Theo đó, công an 10 tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ xác minh, trao đổi thông tin, tình hình có liên quan đến việc tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý các đối tượng tổ chức, môi giới đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép…

Cùng với đó, tập trung củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố, xét xử tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục.

Giữa tháng 10, lực lượng Kiểm ngư của tỉnh Kiên Giang khi tuần tra tại khu vực vùng biển Xẻo Nhàu, huyện An Minh phát hiện một tàu cá không số có chiều dài khoảng 6m không có giấy tờ đăng ký. Qua kiểm tra, lực lượng kiểm ngư tỉnh phát hiện trên tàu có 7 thiết bị giám sát hành trình. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tịch thu tang vật, đồng thời yêu cầu chủ tàu cho tàu cập bến tại TP Rạch Giá để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Đầu tháng 12, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Thanh Bình, thuyền trưởng tàu KG–95561–TS đang hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển Tây Nam Bộ. 

Tàu cá do ông Bình làm chủ có chiều dài trên 25m đã có nhiều sai phạm so với quy định của Luật Thủy sản. Cụ thể, ông Bình có các hành vi sai phạm khi không đăng ký lại tàu cá theo quy định; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên; giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn từ ngày 12/9/2022.

Ông Bình không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình; thuyền trưởng không có văn bằng, chứng chỉ; không có sổ danh bạ thuyền viên tàu cá theo quy định… Tổng số tiền phạt đối với các hành vi vi phạm của ông Phạm Thanh Bình là 1,34 tỷ đồng.

Việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cũng được cơ quan chức năng tỉnh siết chặt. Theo đó, tại các cảng cá được chỉ định, Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang phối hợp lực lượng Kiểm ngư và Biên phòng kiểm tra 100% hồ sơ tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản và kiểm tra xác nhận tàu cá rời cảng theo quy định. 

Ông Ngô Văn Lâm, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang, cho biết, việc ngư dân ghi nhật ký không đầy đủ, thiếu trung thực sẽ khó xác định được nguồn gốc của hải sản. Từ đó gây khó khăn cho việc kiểm soát và ngăn chặn vi phạm khai thác IUU. Tình trạng này dẫn đến sai sót trong việc xác định sản lượng khai thác, ảnh hưởng đến việc quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản; khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm, hạn chế hiệu quả của công tác xử lý vi phạm.

Thế nên, việc giám sát chặt, kiểm soát 100% sản lượng hải sản bốc dỡ tại các cảng chỉ định sẽ giúp ngư dân ý thức dần được các vấn đề khai báo, ghi nhật ký và truy xuất nguồn gốc.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ các tàu cá hoạt động trên vùng biển giáp ranh, vùng biển chồng lấn. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi tháo, gửi, tắt thiết bị giám sát hành trình, môi giới đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang phấn đấu hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tâm An