Người Khmer ở Kiên Giang có trên 237 ngàn người, chiếm khoảng 13% dân số của tỉnh. Đồng bào chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, và khu vực biên giới, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn gặp những khó khăn.
Thời gian qua, nhờ triển khai các chương trình, dự án chính sách dân tộc, chính sách đặc thù dành cho đồng bào Khmer của Trung ương và của tỉnh Kiên Giang đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer trên địa bàn.
Đặc biệt, trong 3 năm (2021-2023) tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 phân bổ cho tỉnh Kiên Giang là hơn 446 tỷ đồng để thực hiện 11 tiểu dự án thuộc 9 dự án của Chương trình 1719.
Từ nguồn vốn này, tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình, tỉnh Kiên Giang đặt ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng, ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh, Kiên Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020 (gần 100 triệu đồng/người/năm); hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1,5 - 2%. Tỉnh phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông.
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719), tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều dự án giúp đồng bào Khmer vươn lên trong cuộc sống.
Đơn cử, tại xã Định Hòa (huyện Gò Quao) nơi có hơn 65% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, việc thực hiện các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giúp cho người dân có nhà ở, có vốn chuyển đổi ngành nghề, mà hơn hết người dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất, từ đó giảm dần số hộ nghèo.
Còn tại ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, nơi có gần 50% người dân là đồng bào Khmer, một thời thuộc diện ấp nghèo nhất xã và huyện, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự kiên trì giúp đỡ của các cấp, giờ đây, ấp Thạnh Trung đã không còn hộ nghèo, số hộ khá, giàu ngày một tăng lên. Với những gia đình mới thoát nghèo sẽ được bảo lãnh vay tín chấp vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh để không tái nghèo.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, hằng năm, Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer, tham gia học nghề tập trung ở các trình độ Cao đẳng, Trung cấp, qua đó giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm.
Đến nay, tỉnh có 101/116 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 33 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc Khmer. 100% xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông nông thôn. Hộ gia đình đồng bào Khmer sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89,3%. Kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho thấy, tỉnh có 11.800 hộ nghèo, chiếm 2,57%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số hơn 3.100 hộ, chiếm 4,7%.