Cùng với cả nước, thời gian qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có bước tiến dài trong việc phát triển đô thị song cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Bài toán đặt ra cần có tầm nhìn mới trong thiết kế kiến trúc đô thị bền vững, chung sống với môi trường.

Thông tin từ Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức tại Hậu Giang vừa qua, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hiện có 211 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 32%, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước là 40,5%.

Dự báo giai đoạn 2021-2025 vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có trên 250 đô thị; trong đó, 4 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 11 đô thị loại III, 42 đô thị loại IV và 78 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 35%-36%, năm 2030 đạt khoảng 42%-48% (cả nước dự kiến 45% năm 2025 và hơn 50% vào năm 2030).

Theo dự báo, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5-1m vào cuối thế kỷ XXI. Do đó, nếu không có giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thì 35% dân số vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với 39% diện tích chịu ảnh hưởng.

W-anhminhoa.png

Một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao với tỷ lệ phần trăm diện tích ngập gồm tỉnh Kiên Giang gồm thành phố Rạch Giá (85-90%), thị xã Hà Tiên (85-90%); tỉnh Hậu Giang gồm thành phố Vị Thanh (85-90%), thành phố Ngã Bảy (85-90%); thành phố Cà Mau tỉnh Cà Mau (60-70%); thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng (10-20%); thành phố Cần Thơ (5-10%); thị xã Gò Công tỉnh Tiền Giang (20-25%).

Như vậy, phân vùng các khu vực chịu ảnh hưởng ngập lụt sẽ có khu vực ngập sâu trung bình từ 2m thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang; khu vực ngập trung bình 1- 2m, thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và khu vực ngập nông thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang.

Để giảm thiếu sự tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực đô thị, Tiến sỹ Hồ Công Đức (Trường Đại học Thương mại) nhấn mạnh việc kiến trúc, quy hoạch đô thị được xem là một trong những biện pháp quan trọng. Đây là quá trình tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị.

Do đó, quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi của khí hậu sẽ góp phần làm giảm tác động xấu của môi trường lên cuộc sống của người dân thành thị như ngập lụt, triều cường, bão, nhiệt độ tăng cao, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí… Quy hoạch cũng tạo ra không gian xanh, hồ điều hòa tại khu đô thị, tạo nên môi trường sống trong lành.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42- 48%; định hướng phát triển hệ thống đô thị Đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng biến đổi khí hậu.

Quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, chủ động bảo đảm nguồn nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và vùng kinh tế nước lợ, nước mặn.

Cùng đó, khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Mọi dự án, công trình phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường được phản biện khách quan, khoa học.

Bích Hạnh và nhóm PV, BTV