Theo Tổ chức Du lịch thế giới, Ngày Du lịch thế giới năm 2022 (27/9) sẽ mang chủ đề “Tư duy lại về du lịch” (Rethinking Tourism). Tổ chức Du lịch thế giới kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, người lao động, khách du lịch cùng tư duy lại những việc đã phải đối diện và phương thức thay đổi để đưa du lịch phát triển trở lại, trở thành trung tâm của nền kinh tế.
Để bắt kịp với những thay đổi này, nhanh chóng phục hồi “ngành công nghiệp không khói”, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã phải tư duy lại cách làm du lịch, định hình sản phẩm du lịch mới để đáp ứng thị trường.
Tại Việt Nam, trong quá trình phục hồi du lịch, ngành du lịch đã đặt vấn đề xây dựng, kiến thiết sản phẩm mới phù hợp với xu hướng, thị hiếu du lịch thế giới. Ngay tại dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng xác định, bên cạnh những dòng sản phẩm chính trước đây, chiến lược lâu dài của du lịch Việt Nam sẽ phát triển thêm 3 dòng sản phẩm mới, đó là du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, việc hệ thống lại các sản phẩm du lịch, từ đó phát triển thêm sản phẩm mới là rất cần thiết. Trong đó, du lịch Việt Nam cần phát huy các thế mạnh, tiềm năng hiện có để đẩy mạnh các dòng sản phẩm mới, nhưng vẫn cần đặc biệt quan tâm đến văn hóa trong phát triển du lịch và các vấn đề đô thị du lịch.
Thực tế, những năm gần đây, nhiều dòng sản phẩm mới đang được đẩy mạnh phát triển hướng tới tăng hiệu quả doanh thu như: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện); du lịch thể thao, đặc biệt phát triển là du lịch golf, du lịch mạo hiểm (leo núi, trekking - đi bộ đường dài), các giải chạy việt dã kết hợp du lịch. Ngoài ra, du lịch nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề và chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… đang được nhiều địa phương tập trung khai thác. Một số sản phẩm được đầu tư trọng điểm đã thu hút dòng khách cao cấp, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours, một số dòng sản phẩm du lịch trước kia ít được quan tâm, nay trở thành mũi nhọn của các đơn vị, trong đó có du lịch MICE, du lịch golf. Song, đây là những dòng sản phẩm hướng đến đối tượng khách đoàn đông, dòng khách cao cấp là các thương nhân, tập đoàn lớn…, nên việc đầu tư hạ tầng cho các sản phẩm này cần có chiến lược bài bản.
“Để phát triển du lịch MICE, du lịch golf, các địa phương cần có hạ tầng cho du lịch, như việc quy hoạch phát triển các sân golf, những trung tâm tổ chức sự kiện lớn đủ tiêu chuẩn dịch vụ đón khách hạng sang. Ngoài ra, cần phải có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để khách trải nghiệm”, ông Nguyễn Công Hoan cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Vũ Duy Thành cho biết, nhiều năm nay, Việt Nam luôn được đánh giá là “điểm đến golf hàng đầu châu Á”, nhưng việc phát triển du lịch golf còn nhiều nút thắt, nên vẫn thiếu tính cạnh tranh với các nước trong khu vực, như: Malaysia, Thái Lan… Bên cạnh đó, du lịch golf còn mới mẻ, nên hạn chế về hướng dẫn viên, những người thiết kế sản phẩm, thiếu công cụ liên kết giữa khách sạn, resort, các hãng vận tải…
Th. Hân, H. Hải, Bích Thủy