Nằm giữa vùng nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo ngay từ thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường, đặt dấu mốc đầu tiên cho đô thị Nam Định sau này.

Kiến trúc dân dụng như công sở, nhà ở, trường học... trong gần 760năm, khởi đầu là công trình kiến trúc cung đình nhà Trần ở Tức Mạc (một công trình nguy nga tráng lệ được coi là chỉ đứng sau cung đình Thăng Long - Hà Nội) cho đến ngày nay kiến trúc thành phố đã có một bước tiến dài:

Năm 1921, người Pháp quy hoạch lại và ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định, một trong số những thành phố được lập ra đầu tiên ở Liên bang Đông Dương. Kiến trúc nhà máy của thành phố Nam Định được đầu tư xây dựng  khá sớm và đồng bộ ngay từ cuối thế kỷ 19. 

Trong quá trình phát triển, lĩnh vực chính thuộc về dệt và sản phẩm, đã nổi tiếng trên thế giới, đưa thành phố trở thành "Thành phố Dệt", là đô thị lớn thứ ba ở miền bắc sau Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.

W-namdinh.png
Một góc Nam Định nhìn từ trên cao

Song song với ngành dệt, ngành may, ngành cơ khí, ngành thực phẩm, đã ra đời với những nhà máy bia, nước giải khát là một loại nhu yếu phẩm phục vụ kịp thời yêu cầu của xã hội...

Phát huy được vốn kiến trúc truyền thống vào việc tu sửa, cải tạo nâng cấp và xây mới các công trình tín ngưỡng như chùa Vọng Cung, chùa Cả, khu di tích văn hoá Đền Trần, khu Hồ truyền thống, Bảo tàng cổ vật... thành những công trình đẹp có giá trị nhiều mặt. Đồng thời, bảo tồn được những công trình kiến trúc mang đậm tính lịch sử như nhà số 7 Bến Ngự, những công trình kiến trúc cổ có giá trị như nhà ông Nguyễn Ngọc Đạt số 187 đường Hùng Vương.

Những năm 1975-1990 hầu như công trình kiến trúc mới trong thành phố không đáng kể. Nhưng từ năm 1990 đến nay khi thành phố đã trở thành đô thị loại II, quốc lộ 10 và 21 đã và đang được nâng cấp đầy đủ; kinh tế thị trường đã chính thức hoà nhập, tốc độ xây dựng thành phố đã được nâng lên một tầm mới. Đường phố đã có nhà 4-5 tầng hình khối đa dạng, màu sắc đẹp, chất lượng tốt.

Các khu đô thị mới đã được quy hoạch và khởi công xây dựng, các nhà máy được đưa về những địa điểm mới như Khu công nghiệp Hoà Xá, Mỹ Trung, Cụm công nghiệp An Xá... đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. Những nhà máy cũ đang từng bước di dời vào khu, cụm công nghiệp để góp phần xây dựng bộ mặt kiến trúc của thành phố ở giai đoạn mới.

Nhìn lại 757 năm kiến trúc thành phố Nam Định đã để lại một kho tàng lịch sử quý báu, có giá trị, tạo tiền đề, tạo cơ sở để xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, đào tạo làm hạt nhân phát triển của tiểu vùng Nam đồng bằng Sông Hồng; mục tiêu đến năm 2025, thành phố Nam Định có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm các điều kiện đô thị trung tâm vùng, tỉnh Nam Định đã thông qua Đề án mở rộng thành phố Nam Định và thành lập một số phường thuộc thành phố.

Theo đó, thành phố Nam Định mở rộng sẽ có diện tích 120,9km², gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố (hơn 46,4km²) và huyện Mỹ Lộc (gần 74,5km²). So diện tích hiện nay, thành phố Nam Định sẽ được mở rộng gấp khoảng 2,6 lần, mở ra hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai cho "Thành phố dệt".

Nguyễn Thảo và nhóm PV, BTV