Mời quý độc giả theo dõi video:

Tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, cây sen đã gắn bó với người dân bao đời nay. Tuy nhiên, có một giai đoạn do không mang lại hiệu quả kinh tế nên nhiều hộ dân đã bỏ sen, chuyển sang nuôi cá.

Từ năm 2018, nhận thấy việc nuôi cá tuy có lợi trước mắt nhưng lại gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan truyền thống của miền quê Kim Liên nên chính quyền địa phương đã tuyên truyền và vận động người dân chuyển đổi lại sang trồng sen. Ngoài ra, một diện tích ruộng lúa và những vùng đầm lầy, ruộng sâu trũng kém hiệu quả cũng được chuyển sang trồng cây sen. Vừa tạo cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của Kim Liên và hướng đến việc gia tăng các sản phẩm giá trị từ cây sen.

Năm 2019, Hợp tác xã Sen được thành lập với mục tiêu đẩy mạnh phong trào trồng sen trên địa bàn xã Kim Liên.

Tập trung vào việc trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen; chế biến sâu các sản phẩm về sen, gồm: Các loại trà sen (trà hoa sen, trà lá sen...), nhóm sản phẩm từ hạt: Hạt sen tươi, hạt sen sấy khô… Với mục tiêu đó, Hợp tác xã Sen đã khảo nghiệm 72 giống sen, trồng thực tế tại ruộng 30 giống. Trong đó có 27 giống nội địa và nhập ngoại là trồng lấy hoa, một số giống lấy lá, thân, củ. Ngoài mở rộng diện tích trồng sen và hỗ trợ người dân trên địa bàn, Hợp tác xã Sen còn trồng sen tại các đình, đền, chùa, khu nghỉ dưỡng; thiết kế, tạo cảnh quan gắn với hình ảnh bông sen.

Ngoài nhiệm vụ trồng, chăm sóc, bảo tồn các giống sen quý trên địa bàn, một trong những ưu tiên hàng đầu của hợp tác xã là thu mua nguyên liệu, sản phẩm từ sen cho người dân, hướng tới phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Mục tiêu lâu dài của hợp tác xã là cung cấp giống sen cho cả nước, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen đạt OCOP từ 3 – 5 sao. Hợp tác xã hiện đã có 11 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao; Các sản phẩm đạt OCOP như: Trà lá sen, trà ướp bông sen, trà liên tu, trà ướp gạo sen, trà tâm sen, trà bạch liên nữ vương, hạt sen sấy… không chỉ giúp tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu từ sen, mà còn đem lại giá trị kinh tế cao cho hợp tác xã, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Hướng đến việc sản xuất số lượng lớn sản phẩm để cung ứng khắp các tỉnh thành và xuất khẩu, Hợp tác xã Sen đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến sâu các sản phẩm từ cây sen: Máy sấy lạnh, máy sấy thăng hoa, máy hấp, máy ủ….

Nhờ thành công của hợp tác xã, trên địa bàn xã đã có nhiều gia đình học hỏi và quay trở lại đầu tư làm kinh tế vào cây sen, tạo nên vùng trồng sen rộng lớn với những sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu Kim Liên.

Thời gian tới, huyện Nam Đàn tiếp tục mở rộng diện tích trồng sen trên các diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả nhằm nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Đồng thời, tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ sen để phục vụ khách tham quan du lịch và phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Thùy Chi - Đức Yên