Tết Giáp Thìn 2024 là cái Tết đầu tiên bà Nguyễn Thị Nữ, xã Định Hóa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, cùng các con, cháu được quây quần trong ngôi nhà mới xây dựng kiên cố, công năng hợp lý. Suốt 46 năm qua, gia đình này phải sống trong ngôi nhà dột nát, xuống cấp.
Căn nhà 50m2 được khởi công, xây dựng và hoàn thành trong 2 tháng, với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Trong đó, 100 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo Nghị quyết 43/NQ-HĐND; số còn lại nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể ở thôn, xã, anh em họ hàng.
Niềm vui có căn nhà khang trang, kiên cố cũng đến với gia đình ông Trần Văn Cử, 73 tuổi, ở xóm 7, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn. Ngôi nhà của gia đình ông đã được xây dựng lâu nên xuống cấp. Là người thuộc hộ nghèo, tuổi đã cao, ông Cử không có điều kiện sửa chữa nhà ở. Năm ngoái, gia đình ông được hỗ trợ 50 triệu đồng sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết 43.
Được khởi công sửa chữa nhà từ tháng 6/2023, đến tháng 8/2023, ngôi nhà ông đã hoàn thiện. Sau bao năm trời, gia đình ông Cử đã được sống trong ngôi nhà kiên cố, sạch sẽ. Coi căn nhà sau sửa chữa là món quà lớn, gia đình ông Cử tự nhủ điều này sẽ giúp mỗi người trong nhà có điều kiện sống tốt hơn, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Hơn 100 ngôi nhà tạm, dột nát, xuống cấp ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình năm 2023 đã được sửa chữa, thay thế bằng những ngôi nhà khang trang. Từ đó, mơ ước có được ngôi nhà kiên cố của hàng trăm nhân khẩu trong các hộ nghèo đã trở thành hiện thực. Năm 2024, theo danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn có 75 hộ, tổng kinh phí hỗ trợ là 6 tỷ đồng.
Xác định giảm nghèo là chủ trương lớn, cùng với các chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh, hằng năm, huyện Kim Sơn đã ban hành nghị quyết, kế hoạch, các văn bản về công tác giảm nghèo; chỉ đạo tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cao.
Tại xã Ân Hòa, căn cứ vào các văn bản của cấp trên, Nghị quyết Đảng bộ xã về công tác giảm nghèo, hằng năm, xã thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng kế hoạch giảm nghèo của xã, phấn đấu giảm hộ nghèo mỗi năm từ 1-1,5%.
Xã đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, mô hình giảm nghèo hiệu quả; triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án giảm nghèo giúp các hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ việc làm, đa dạng hóa về sinh kế giảm nghèo… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo tại xã chỉ khoảng 3%.
Để đa dạng hoá sinh kế giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nghèo, các xã Thượng Kiệm, Cồn Thoi hay Hùng Tiến (đều thuộc huyện Kim Sơn) đã phát triển mô hình nuôi gà thương phẩm. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ con giống, một phần thức ăn, kỹ thuật để phát triển sản xuất, giảm nghèo hiệu quả. Các xã đều phấn đấu đưa thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án tăng 20-25%/năm, bình quân mỗi năm có từ 20-40% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo bền vững.
Đơn cử, tại xã Thượng Kiệm, năm 2023 có 15 hộ chăn nuôi, trong đó có 7 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, 3 hộ mới thoát nghèo và 1 hộ sản xuất kinh doanh giỏi tham gia dự án mô hình nuôi gà thương phẩm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Cam, một hộ nghèo tham gia dự án tại xóm 4, xã Thượng Kiệm, cho biết trước đây bà có nhiều năm nuôi gà, nuôi lợn. Gần đây do dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh nên việc chăn nuôi bị dừng lại. Vốn chăn nuôi là điều khó khăn nhất, nay đã được tháo gỡ nhờ dự án hỗ trợ của huyện và xã. Hộ gia đình của bà được hỗ trợ 140 con gà cùng một phần thức ăn và được cán bộ thú y xuống tận nhà hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.
Triển khai Dự án đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Kim Sơn đã phân công cán bộ phụ trách theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, các địa phương trong huyện Kim Sơn đã tích cực lồng ghép chương trình giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, tăng thu nhập cho người nghèo, tạo điều kiện để hộ nghèo được tiếp cận đa chiều, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, giải quyết việc làm…
Với phương châm “Cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm”, cùng xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với ý định, mong muốn của hộ nghèo, cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Kim Sơn giảm còn 2,71%. Dự kiến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 2,13%.