Trong Toạ đàm "Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp" vừa được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2023, các đại biểu đã đưa ra một mô hình thực hành "vừa mới vừa cũ" cho các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đó là "kinh doanh có trách nhiệm".

Kinh doanh có trách nhiệm vừa là xu thế, vừa là yêu cầu

Theo bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế quốc tế và đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có CPTPP và EVFTA.

Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU đã dành riêng Chương 13 về thương mại và phát triển bền vững với những cam kết từ hai bên về các nội dung liên quan đến vấn đề lao động và môi trường và nhấn mạnh những lợi ích của hợp tác về các vấn đề lao động và môi trường liên quan tới thương mại là một phần của chiến lược toàn cầu về thương mại và phát triển bền vững.

W-ba-tran-thi-hong-lien-1.jpg
Bầ Trần Thị Hồng Liên phát biểu tại Toạ đàm. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19 vừa qua, việc thích ứng linh hoạt để kinh doanh liên tục, khắc phục và vượt qua những khó khăn phục hồi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra càng đặt ra yêu cầu tuân thủ cao đối với doanh nghiệp nhằm đảm bảo duy trì việc làm bền vững, bảo vệ sức khỏe, an toàn và đảm bảo an sinh cho người lao động.

Theo đại diện VCCI, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đỏi hỏi DN Việt Nam không chỉ quan tâm việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà cần dành sự đầu tư thích đáng và phù hợp đối với thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quy định pháp luật trong nước về lao động và môi trường.

Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin tham gia và từng bước khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Có thể thấy, trên thực tế thì mức độ hiểu biết, sự nắm bắt thông tin của một bộ phận doanh nghiệp Việt mà đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa về kinh doanh có trách nhiệm vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, khái niệm về trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng (Due Diligence) vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tôi cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong chuỗi cung ứng", bà Liên chia sẻ.

W-toa-dam-1.jpeg
Các chuyên gia trong Toạ đàm "Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho DN" được tổ chức sngs 16/11. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Phân tích sâu thêm về kinh doanh có trách nhiệm của các DN, ông Trần Xuân Quang - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp cung ứng bền vững toàn cầu - GSS chia sẻ, so với "Trách nhiệm xã hội của DN" thì "Kinh doanh có trách nhiệm" được mở rộng về nội hàm hơn rất nhiều.

Lúc này, DN cần cam kết, đảm bảo và tôn trọng nghiêm ngặt quyền con người như không sử dụng lao động trẻ em, cưỡng bức lao động, đảm bảo thời gian làm việc nghỉ ngơi của người lao động, đảm bảo bình đẳng giới, bảo vệ môi trường,... đồng thời có mức trả thù lao đảm bảo vừa minh bạch, vừa cạnh tranh và thúc đẩy người lao động làm việc, cống hiến,...

"Khi một DN thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, đồng nghĩa với việc DN nghiệp đó sẽ có những bước chuyển mình về năng suất và hiệu quả hoạt động", ông Quang nhấn mạnh.

W-ong-tran-xuan-quang-1.jpg
Ông Trần Xuân Quang đưa ra những cách tiếp cận mới cho khái niệm "Kinh doanh có trách nhiệm". (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Kinh doanh có trách nhiệm là cơ hội vàng giúp DN Việt tham gia chuỗi cung ứng lớn

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua Philippines và Singapore để vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD. Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới.

Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho CNHT và Công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp CNHT cũng cần chủ động tìm kiếm giải pháp, tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tập đoàn toàn cầu. Trong đó, chắc chắn việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm đang và sẽ là những nhiệm vụ cần ưu tiên hàng đầu của các DN.

Trên thực tế, việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm được Chính phủ Việt Nam tiếp thu và có những chỉ đạo sâu sát. Mới đây, ngày 14/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 843/QĐ-TTg  ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027.

Cùng với tiến trình này, các tổ chức xã hội được kỳ vọng sẽ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, tư vấn và giám sát để cùng doanh nghiệp và nhà nước thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam, góp phần nâng cao sự hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư có trách nhiệm.

Đưa ra góc nhìn của mình trong khuôn khổ Toạ đàm, bà Đỗ Quỳnh Chi - Liên minh các DN Kinh doanh có trách nhiệm (RBA) cho biết, những quy định về "Kinh doanh có trách nhiệm" nói trên không còn là hàng rào kỹ thuật nữa mà đã thực sự trở thành luật khi có đầy đủ tính chế tài, bắt buộc DN phải thực hiện.

"Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang muốn dịch chuyển khỏi những thị trường truyền thống và tìm kiếm những nhà cung ứng mới đủ năng động và có trách nhiệm. Do vậy, đây là cơ hội vàng cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam đang khao khát tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu bởi câu chuyện về phát triển bền vững đôi khi còn quan trọng hơn cả năng lực hiện tại", bà Chi đưa ra quan điểm.

Hoàng Hiệp