Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới”, năm 2023 là năm cả nước tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng về phát triển KTTT, HTX.

Tham luận tại “Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII” được tổ chức mới đây, đại diện Cục Kinh tế Hợp tác - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế thành viên, hộ gia đình, cá thể. Tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 29.378 HTX, 125 LH HTX và 71.000 THT. So với năm 2013, số HTX tăng 10.021 HTX (tăng 51,8%), LH HTX tăng 78 LH HTX (tăng 166%) và số THT giảm hơn 56.000 THT (giảm 44%).

hợp tác xã.jpg
Khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.

Số liệu từ Cục Kinh tế Hợp tác – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số lượng HTX có xu hướng tăng trong giai đoạn 10 năm 2013-2022, tốc độ tăng bình quân khoảng 4,8%/năm. Đặc biệt từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, số lượng HTX tăng mạnh, trong năm 2022 với 2.036 HTX, tăng trên 7,4% so với năm 2021. Tính đến hết năm 2022, tổng số thành viên khu vực KTTT là gần 8 triệu thành viên, với trên 5,935 nghìn thành viên của HTX (tăng 243 nghìn thành viên, khoảng 4% so với năm trước), 851 HTX thành viên của LH HTX (tăng 183 HTX thành viên, khoảng 27% so với năm 2021) và khoảng 1.044 thành viên THT (giảm hơn 53 nghìn thành viên, khoảng 5% so với năm 2021). Tổng số lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 976,3 nghìn người, giảm khoảng 9% so với năm 2021.

Trong tổng số 29.378 HTX toàn quốc có khoảng 19.500 HTX nông nghiệp (chiếm khoảng 66,4%) và gần 10 nghìn HTX phi nông nghiệp. Năm 2022, doanh thu bình quân một HTX đạt 3.592 triệu đồng/HTX/năm, tăng 867 triệu đồng (tăng khoảng 31,8%) so với năm 2013. Lãi bình quân của 01 HTX năm 2022 là 366 triệu đồng/HTX/năm (tăng 200 triệu đồng, tương đương tăng trên 120% so với năm 2013); thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người (tăng 21tr đồng, tương đương tăng 37,5% so với năm 2013). Tính bình quân cả giai đoạn 10 năm từ 2013 đến 2022, doanh thu bình quân của các HTX tăng trung bình 5,2%/năm; lãi tăng bình quân 11,8%/năm. Theo số liệu cập nhật trên Hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, 7 tháng đầu năm 2023, cả nước thành lập mới 1.626 HTX, tăng 14,33% so với cùng kỳ 7 tháng năm 2022 (1.393 HTX).

Có thể thấy, khu vực KTTT, HTX phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh, công bằng xã hội. Số lượng HTX, LH HTX thành lập mới tiếp tục được duy trì (trên 200 HTX/hàng tháng). Trong 6 tháng đầu năm 2023, khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển mạnh về số lượng, quy mô và chất lượng và hoạt động ngày càng hiệu quả; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành, nghề, lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dựng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến chuyên sâu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhiều HTX thành lập mới thu hút thành viên trẻ sáng lập, mạnh dạn trong tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến, vốn, tín dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh gắn với các phương thức sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả; phát triển nhiều mô hình liên kết với hình thức mới hoạt động hiệu quả. Đặc biệt trong lĩnh vục nông nghiệp, HTX đóng góp vai trò quan trọng trong việc liên kết, hỗ trợ thành viên cá về kinh tế lẫn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản trị. HTX nông nghiệp hỗ trợ nông dân liên kết theo chuỗi, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ và phù hợp với đặc thù quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Tại nhiều địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mô hình HTX có vai trò quan trọng trong kết nối các thành viên, định hướng, thay đổi hoặc kết hợp phương thức sản xuất canh tác truyền thống gắn với công nghệ mới; HTX giúp thành viên và hộ nông dân khai thác tốt hơn lợi thế vùng miền, nâng cao giá trị sản phẩm bản địa, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, giảm nghèo và tạo việc làm bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, khu vực KTTT, HTX vẫn bị thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều HTX chậm chuyển đổi số, chậm đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đa số HTX còn bị động trong tiêu thụ sản phẩm, năng lực liên kết sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng yếu. Nhiều HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả dẫn đến thu nhập chưa cao. Cùng với đó, cơ chế, chính sách và nguồn vốn hỗ trợ khu vực HTX còn chưa hợp lý so với tính chất của mô hình HTX. 

Trong thời gian tới, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về vị trí, vai trò, sự cần thiết của mô hình KTTT, HTX đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đa dạng các hình thức tuyên truyền; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phát triển HTX nông nghiệp. Tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, ...) trong việc tuyên truyền, vận động nông dân, tham gia HTX.

Bên cạnh đó là tăng cường quản lý nhà nước đối với KTTT trong phạm vi cả nước. Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về KTTT tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương để huy động các nguồn lực và trực tiếp triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với KTTT. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả.

Ánh Tuyết và nhóm PV, BTV