Hoạt động của các HTX nông nghiệp chủ yếu thực hiện các khâu dịch vụ kinh tế hỗ trợ thành viên như: chuyển giao KHKT, cung ứng giống, vật tư, chăm sóc giống cây trồng, hỗ trợ nông dân cùng phát triển sản xuất…
Thực hiện chủ trương khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, nhiều HTX đã tập trung đầu tư vào các sản phẩm đặc sản của địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 88 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 77 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Với những cách làm mới, sáng tạo, nhiều mô hình HTX nổi bật, điển hình đã ra đời. Cụ thể như HTX Cây ăn quả Tân Mỹ có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Co.opmart, Co.opFood; HTX Nông nghiệp Nhân Đức đầu tư hệ thống điện, máy bơm làm dịch vụ tưới tiêu cho các thành viên, được chứng nhận sản xuất hữu cơ; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lưới và liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Bình An, Hà Nội…
Ông Nguyễn Phong Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết để khu vực KTTT trên lĩnh vực nông nghiệp phát huy hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, ngành tập trung một số giải pháp trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX, đồng thời tiếp tục tuyên truyền tạo sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thống nhất về bản chất, mô hình HTX kiểu mới trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong khu vực KTTT; đồng thời đánh giá lại các mô hình KTTT có hiệu quả để có cơ sở nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh; lựa chọn một số HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
HTX Nông nghiệp Bình Dương hoạt động trên địa bàn huyện Phú Giáo đã xây dựng hiệu quả mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hướng đến phát triển du lịch sinh thái từ nông nghiệp. Sau 8 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX thu hút 45 thành viên tham gia. Thành viên HTX đầu tư trên nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích sản xuất hơn 60ha. Hiện nay HTX hoạt động chủ yếu với mô hình chiết ghép và cung ứng giống cây trồng do nông dân sản xuất (chủ lực là 5 giống cây nhập ngoại gồm: na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim, thơm mật Ấn Độ, chà là, hồng sô cô la). Toàn bộ sản phẩm của các thành viên đều được HTX bao tiêu về đầu ra và giá cả.
Từ việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, HTX Bình Dương luôn là trụ đỡ của nông dân trên địa bàn huyện và trở thành đầu tàu về cung ứng giống cây trồng ở Bình Dương. Hiện tại HTX Nông nghiệp Bình Dương đang đầu tư hạ tầng để hướng đến nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái theo chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ông Lê Văn Thuận-Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương cho biết, từ khi áp dụng nông nghiệp cao gắn với du lịch sinh thái, những thành viên có đất đang trồng những loại cây không hiệu quả đã tham gia vào chuỗi sản xuất mô hình công nghệ cao này, các thành viên làm việc rất hiệu quả. Thứ nhất là giảm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, thứ hai là tạo được năng suất cao và đầu ra ổn định.
Nổi bật trong các HTX hiện nay là HTX cây ăn trái có múi được thành lập nhiều tại các huyện phía bắc của tỉnh. Từ các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, các HTX cây ăn trái luôn chú trọng sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch, nỗ lực ứng dụng tiến bộ KHKT trong trồng trọt gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng. Đồng thời thực hiện liên kết chuỗi để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị, phát triển bền vững nông sản địa phương.
Nối dài hiệu quả hoạt động của KTTT, mô hình tổ hợp tác cũng không ngừng phát triển. Hiện toàn tỉnh có 176 tổ hợp tác với 1400 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi trồng trọt. Các tổ hợp tác phát triển đã làm phong phú các mô hình sản xuất tập thể ở xã nông thôn mới.
Nhìn chung, các mô hình HTX, tổ hợp tác được mở rộng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.