Theo Nhật báo Nhân Dân, bình quân tăng trưởng trong quý 2 năm nay của nhiều tỉnh, thành tại Trung Quốc cao hơn so với quý đầu tiên. Điển hình như tại Trùng Khánh và Cát Lâm đều tăng 1,4%; Cam Túc và Thiên Tân lần lượt tăng 1,3% và 1,1%; Giang Tô là 6,9%,...
Nhìn vào sức mạnh từ hai đầu cung và cầu, trong nửa đầu năm, nhu cầu sản xuất tiếp tục tăng trở lại, hoạt động kinh tế dần phục hồi và ổn định.
Về phía nguồn cung, sự ổn định, tiến bộ trong sản xuất công - nông nghiệp và việc tăng trưởng tốt ở nhóm ngành dịch vụ đã củng cố nền tảng cho sự phục hồi của nền kinh tế.
(Ảnh: Nhật báo Nhân dân Trung Quốc) |
Đặc biệt, ngành dược phẩm và điện tử đã có những thành tích cực kỳ ấn tượng. Giá trị sản xuất của ngành dược phẩm nước này tăng 80,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tăng trưởng bình quân hai năm là 40%.
Về phía cầu, đầu tư và tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Cơ cấu xuất khẩu được tối ưu hóa. Thị trường bán lẻ, hàng tiêu dùng đang dần trở lại mức bình thường của các năm. Doanh số bán lẻ đồ trang sức và thiết bị truyền thông đều tăng gấp đôi.
Hoạt động ngoại thương trong nửa đầu năm của Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ; đạt mức tăng trưởng dương 13 tháng liên tiếp. Điều này cũng được phản ánh qua số liệu ngoại thương của các tỉnh. Điển hình, việc xuất khẩu của Sơn Đông sang các thị trường châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc đã tăng hơn 30%.
Tuy vậy, trong tình hình diễn biến căng thẳng của đại dịch Covid-19, vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố không chắc chắn trong hoạt động ngoại thương của Trung Quốc.
Đại diện Sở Thương mại tỉnh Sơn Đông cho biết, các công ty thương mại nước ngoài đang chịu nhiều áp lực do giá nguyên liệu đầu vào tăng, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ biến động và giá vận chuyển không ngừng tăng cao đã kìm hãm lợi nhuận của một số công ty. Nếu không ký kết được các đơn hàng xuất khẩu mới thì khả năng tăng trưởng xuất khẩu sẽ sụt giảm nhanh chóng vào nửa cuối năm. Trong tương lai, xuất khẩu của nước này sẽ gặp nhiều áp lực lớn.
Song Anh (Theo Economic Daily China)
Trung Quốc quyết giành vị thế thống trị thị trường 30 tỷ USD từ Singapore
Singapore có nguy cơ mất vị thế thống trị trên thị trường cung cấp nhiên liệu hàng hải ở châu Á do Trung Quốc thu hút nhiều tàu hơn sau khi mở rộng cảng và các cơ sở lọc dầu.