Hiện nay du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về xu hướng du lịch, để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững rất cần phải phát huy được yếu tố tích cực, hạn chế và giảm thiểu mặt tiêu cực. Muốn vậy cần phải có chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững, chú trọng tăng cường tính văn hóa trong hoạt động du lịch.

Là vùng đất còn lưu giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc của người Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê).... một số nơi tại tỉnh Kon Tum đã được xây dựng thành những điểm du lịch cộng đồng.

Bên cạnh tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên núi rừng, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các dân tộc thiểu số trong tỉnh được đánh giá là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch đang được ưa chuộng này.

Cách thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông khoảng 40km, làng Vi Rơ Ngheo có 63 hộ dân với khoảng 300 khẩu, 100% là bà con dân tộc thiểu số Xơ đăng. Bao quanh làng là những cánh rừng với hệ động, thực vật phong phú; hệ thống suối đá, thác, hồ, ruộng…

Sau hơn 3 năm thực hiện việc xây dựng làng Vi Rơ Ngheo trở thành làng du lịch cộng đồng.

Đặc biệt, nơi đây được xem là “thiên đường” của hoa địa lan, với một đồi lan bản địa và hoa được người dân trồng ở các bờ rào, cổng nhà… tạo ra khung cảnh tuyệt đẹp cho một ngôi làng nằm giữa núi rừng Tây Nguyên. Do nằm tách biệt giữa núi rừng, người dân lại biết bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nên Vi Rơ Ngheo hiện còn giữ được nhiều nét đẹp trong kiến trúc, sinh hoạt của người Xơ đăng.

Sau hơn 3 năm thực hiện việc xây dựng làng Vi Rơ Ngheo trở thành làng du lịch cộng đồng, đến nay, làng đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Vi Rơ Ngheo là làng du lịch cộng đồng thứ hai của huyện Kon Plông, sau làng du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen). Mục tiêu của huyện là xây dựng làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo trở thành điểm đến hấp dẫn và đạt chuẩn ASIAN.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng du lịch của huyện Kon Plông, tạo ra các làng du lịch “vệ tinh” cho thị trấn Măng Đen, đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cho du khách, tạo không gian kết nối giữa các làng du lịch cộng đồng, giá trị kinh tế cho văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa.

Du khách đến tham quan tại các điểm du lịch cộng đồng được tìm hiểu về kiến trúc nhà rông, nhà sàn; tìm hiểu cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào; cùng chế biến và thưởng thức những món ăn mang đậm phong vị của người địa phương như cơm lam, gà nướng, cá sông nướng trên than củi và trong ống lồ ô, măng le, lá mì, rau rừng; hòa mình vào không gian cồng chiêng Tây Nguyên... Hoạt động du lịch sẽ tạo thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Năm ngoái, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tiếp đó, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại chỗ, ngày 22/11/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định 757/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng ở thành phố Kon Tum đang là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế chung của ngành du lịch thế giới. Thu nhập của người dân không chỉ đến từ những việc làm chuyên nghiệp như đưa đón khách đi tham quan, cho thuê nhà ở, làm hướng dẫn viên cho du khách, mà còn cả từ những hoạt động bên lề như tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp do người dân làm ra, bán các loại đồ lưu niệm từ thổ cẩm, đan lát... Qua đó, góp phần tạo ra động lực để người dân tự giác bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những giá trị, sản phẩm văn hoá đặc trưng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Thị Hân và nhóm PV, BTV