Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu công khai danh sách 730 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bộ Công Thương, Bộ xây dựng, Hà Nội, TP.HCM là những "địa chỉ" có nhiều DN chậm lên sàn nhất.

Trên cơ sở báo cáo của 17 bộ, 53 tỉnh thành phố, 84 tập đoàn, tổng công ty, Bộ Tài chính cho hay đã thống kê có 730 DN đã cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (tính đến 26/6/2017).

Theo đó, trong số các bộ ngành, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản có lượng DN chậm niêm yết nhiều nhất. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lớn của Bộ này đều có các DN chưa lên sàn.

{keywords}
Petrolimex còn nhiều DN cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết.

Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có 8 đơn vị chưa cổ phần hóa. Một trong số các lý do chậm trễ là công ty không có đủ số lượng cổ đông cần thiết để trở thành công ty đại chúng, có công ty vốn điều lệ chỉ 9,9 tỷ đồng nên không đủ điều kiện thành công ty đại chúng. Riêng Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex thì tập đoàn này chưa có kế hoạch đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có tới 18 đơn vị không đủ điều kiện về số lượng cổ đông để thành công ty đại chúng, không đủ điều kiện để niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tổng Công ty máy và Thiết bị công nghiệp có 6 đơn vị chưa đủ điều kiện là công ty đại chúng. Tổng công ty thép Việt Nam cũng có 7 DN thuộc diện chưa đủ điều kiện này.

Nhiều DN thuộc Habeco cũng không đủ điều kiện để niêm yết.

Bộ Xây dựng cũng là cơ quan chủ quản có nhiều DN chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Tổng công ty Xi măng Việt Nam có 7 đơn vị, Tổng công ty Sông Đà có 8 DN, Tổng công ty đầu tư và phát triển Nhà và đô thị có 11 DN không phải là công ty đại chúng do số lượng cổ đông dưới 100 nên không đủ điều kiện niêm yết.

Bộ Giao thông Vận tải cũng có hàng loạt DN không đủ điều kiện niêm yết, như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là DN nhà nước có 12 công ty chưa đủ điều kiện là công ty đại chúng.

Bộ NN-PTNT cũng không ngoại lệ. Đơn cử, Tổng công ty Lương thực miền Bắc có tới 20 đơn vị chưa phải là công ty đại chúng, không đủ điều kiện niêm yết. Tổng công ty Lương thực miền Nam có 10 đơn vị.

Bộ Tài chính cũng có nhiều DN trực thuộc nằm trong danh sách DN chậm lên sàn.

Trong đó, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) có 26 DN, trong đó có nhiều đơn vị không đủ điều kiện niêm yết, có đơn vị đã ngừng sản xuất, có DN lại lỗ nhiều năm liên tiếp.

Ở cấp địa phương, Hà Nội và TP.HCM là những nơi có nhiều DN chậm lên sàn nhất với số lượng lên đến hàng trăm DN.

Lương Bằng