Hơn 20 năm trước, bà V.T.C (SN 1962) ở xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội tạm biệt người chồng đau yếu và đứa con thơ lên đường đi làm ăn xa. Chuyến đi đó, bà hy vọng sẽ kiếm được tiền, gửi về cho chồng trang trải, chăm sóc con tốt hơn. Bà đâu biết, phải nhiều năm sau, mới được trở về mảnh đất quê hương, bởi bà bị người ta lừa bán sang Trung Quốc.

{keywords}
Mảng ký ức hơn 20 năm nơi xứ người luôn hành hạ bà C.

Giọng bồi hồi, bà kể, năm 1997, nghe lời rủ rỉ của một người đàn trong làng, bà quyết định rời quê lên thành phố.

Người này đưa bà đến bảo làm thuê, rửa bát cho một ông chủ. Bà ngạc nhiên khi thấy có khá nhiều người phụ nữ đủ các lứa tuổi, đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Bà và họ bị đưa vào một căn phòng rồi khóa lại.

Sáng sớm hôm sau, bà và mọi người được họ cho ăn phở. Tuy nhiên, sau khi ăn xong, bà bắt đầu lịm dần. Đến khi tỉnh lại, bà đã ở một nơi xa lạ. Xung quanh là hàng trăm người phụ nữ Việt Nam khác.

Sau đó, bà bị bán cho người đàn ông làm nghề nông, nhà ở trong rừng. Mãi sau này bà mới biết khu vực mình ở thuộc địa phận tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Bà khóc ngằn ngặt, đau đớn vì biết mình bị lừa bán, bị ép làm vợ người ta. Tháng ngày tiếp theo, bà liên tiếp chịu đựng cảnh đòn roi từ người chồng vũ phu. Khi đã bập bõm hiểu được tiếng, bà C. được biết, trước đây, chồng Trung Quốc của bà từng có 2 đời vợ. Họ đều phải bỏ trốn vì không chịu được thói vũ phu của ông. 

Hàng ngày, người chồng mua chiếc còng, khóa tay bà lại và chỉ mở khóa khi bà làm việc nhà, đi làm nương. Tất nhiên, mọi hoạt động đều dưới tầm kiểm soát của chồng. Bà không thể trốn đi nên đành câm lặng chịu đựng, cần mẫn với công việc của một người nông dân. 

Sau ngày cưới không lâu, bà sinh được một cô con gái. Ca sinh nở khó khăn khiến bà mắc bệnh hậu sản. Mẹ chồng muốn đưa bà đi viện nhưng chồng bà lạnh lùng không cho đi. Vài tháng sau, bà mới dần hồi phục, chăm sóc con nhưng đứa trẻ xấu số, ốm yếu rồi mất.

Lần mang thai thứ 2 với người chồng Trung Quốc, bà C. sinh được một người con trai. Những tưởng có đứa con này, người chồng sẽ quan tâm bà một chút. Nhưng đó chỉ là điều hão huyền, liên tiếp những cú đấm khiến bà phải oằn mình xuống.

Chỉ đến khi hàng xóm phát hiện, báo cơ quan chức năng, người chồng bị đi tù, bà mới thoát khỏi những trận đòn roi. Ngày mãn hạn, ông ta dọn sang ở với người phụ nữ khác. Niềm an ủi duy nhất của bà C. là cậu con trai ngoan ngoãn, thương mẹ.

Năm 2016, bà C. đang làm rẫy thì lực lượng chức năng Trung Quốc truy quét những người chưa nhập quốc tịch. Về đến nhà, người chồng vứt cho bà một chiếc túi và yêu cầu bà đi theo cảnh sát. Khi một cảnh sát hỏi: “Có muốn làm giấy tờ để nhập tịch cho vợ ở lại hay không?”. Lệ phí làm thủ tục chỉ khoảng 5 triệu Việt Nam đồng và ông ta từ chối với lý do không có tiền.

Bà rời đi không kịp nói với con trai một lời. Đến giờ, bà vẫn mong ngóng có được thông tin của con. Vì ngay cả một bức ảnh hay  tờ giấy ghi địa chỉ của con, bà cũng không kịp mang theo. Cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả bà về Việt Nam cùng những người bị phát hiện trong đợt truy quét.

5 năm trôi qua, mảng ký ức đau thương ngày ấy vẫn khiến bà đau nhói, trằn trọc suốt đêm. Mỗi giấc ngủ, bà chập chờn bởi ám ảnh và gương mặt đứa con mình không kịp từ biệt.

Tình trạng buôn bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em hiện nay khá phức tạp. Nhiều số phận giống như bà C. Họ bị lừa, bán trao tay cho kẻ buôn người, bị ép làm gái mại dâm, làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc. Có người may mắn được trở về nhưng có người vẫn bặt vô âm tín…

Thủ đoạn của các đối tượng không mới, chúng thường nói về cuộc sống tốt đẹp bên kia biên giới, dụ dỗ rồi lừa bán… Tuy vậy, vẫn có không ít người sập bẫy, trở thành nạn nhân của vụ việc đau lòng.

Bích Thủy