Theo BS. Sơn, dùng kháng sinh quá liều hoặc không đúng cách khiến các mầm vi khuẩn trong cơ thể chống lại hoạt động của thuốc, gây ra tình trạng kháng kháng sinh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe.
Nhiều ca biến chứng nguy hiểm do lạm dụng kháng sinh
BS. Sơn đưa dẫn chứng, một bệnh nhân nam có tiền sử niệu đạo, được bác sĩ nơi khác chỉ định kháng sinh uống và giảm bệnh sau 8 ngày. Nhưng tình trạng viêm lặp lại sau một tháng, bệnh nhân đã tự mua thuốc theo toa cũ và uống liên tục gần 3 tuần thay vì đi tái khám. Đến tuần thứ tư, bệnh nhân tiêu chảy 20 lần một ngày và phải nhập viện FV trong tình trạng đã tụt 10kg, mất nước nghiêm trọng, sốc nhiễm khuẩn và suy thận độ 3.
Qua xét nghiệm, BS. Sơn xác định vi khuẩn Clostridium Difficile (thường không gây bệnh, sống trong đường ruột) đã có khả năng kháng kháng sinh. Sau thời gian bệnh nhân lạm dụng kháng sinh kéo dài, các vi khuẩn tốt bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho Clostridium Difficile “tác quái”.
Các bác sĩ đã lập kháng sinh đồ điều trị, đồng thời bổ sung vi khuẩn có lợi để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Mất 2 tuần, bệnh nhân mới hồi phục.
Một bệnh nhân khác, người Hàn Quốc 60 tuổi, có bệnh tiểu đường. Ông bị sưng ngón chân cái, khám qua nhiều phòng mạch tư và được kê nhiều loại kháng sinh khác nhau suốt 2 tuần.
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại FV trong tình trạng sốt cao, chân sưng tấy, mạch nhanh, huyết áp tụt. Xét nghiệm cho thấy ông mắc hội chứng đáp ứng viêm toàn thân, suy thận cấp và phát hiện có khuẩn tụ cầu vàng đa kháng thuốc.
Các bác sĩ lập kháng sinh đồ, cân nhắc nhiều loại kháng sinh để vừa điều trị nhiễm khuẩn vừa an toàn cho bệnh trạng của ông. Sau 10 ngày, bệnh nhân được ngưng kháng sinh, chức năng thận chuyển biến tốt nhưng không thể hồi phục như trước. Ngón chân cái bị hoại tử buộc phải cắt bỏ.
Kiểm soát kháng sinh bằng quy trình chặt chẽ, bảo vệ bệnh nhân
Từ năm 2016, Bệnh viện FV đã thiết lập “lá chắn” bảo vệ bệnh nhân bằng các quy trình kiểm soát kê đơn và sử dụng kháng sinh chặt chẽ, đảm bảo mỗi loại thuốc kháng sinh được dùng đều dựa trên kết quả xét nghiệm và bằng chứng lâm sàng.
Cụ thể, tại FV, các bác sĩ luôn phải cân nhắc nhiều khía cạnh khi kê toa thuốc kháng sinh, như tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng và vị trí của bệnh nhiễm khuẩn, tính chất của vi khuẩn và loại kháng sinh được chọn.
Các bệnh nhân có nguy cơ cao mang vi khuẩn kháng thuốc hoặc bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh nhân phẫu thuật khi đến điều trị tại FV sẽ được tầm soát vi khuẩn đa kháng thuốc nhằm phát hiện bệnh sớm, thiết lập biện pháp cách ly phù hợp, hạn chế lây truyền vi khuẩn đa kháng thuốc và giúp điều trị hiệu quả ngay từ đầu theo kháng sinh đồ.
Ngoài ra, với hệ thống FilmArray và Fast Track PCR hiện đại, FV có thể rút ngắn 80% thời gian xét nghiệm so với bình thường và độ chính xác cao. Nhờ đó, các bác sĩ FV có thể lập kháng sinh đồ chỉ một ngày từ khi bệnh nhân nhập viện, xác định loại kháng sinh và liều dùng cần thiết để điều trị hiệu quả từ đầu, giảm thời gian và chi phí nằm viện cho bệnh nhân.
Việc Bệnh viện FV thành lập và đi vào vận hành Khoa Truyền nhiễm (tháng 7/2022) giúp tăng cường bảo vệ bệnh nhân trước nguy cơ kháng kháng sinh. Khoa chuyên điều trị các bệnh nhiễm trùng và quản lý việc sử dụng kháng sinh trong khám chữa bệnh, thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo cũng như các tuần lễ an toàn thuốc nhằm nâng cao nhận thức cho bệnh nhân, cộng đồng và các nhân viên y tế về vấn đề an toàn thuốc, giảm tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng.
Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện FV chuyên khám và điều trị tất cả các loại bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm gây ra; bao gồm cả viêm phổi, lao, viêm màng não, nhiễm trùng xương, viêm nội tâm mạc, viêm gan siêu vi, nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm ký sinh trùng và nấm, các bệnh lây qua đường tình dục, cúm, Covid-19, các bệnh sốt không rõ nguyên nhân, nhiễm trùng do các sinh vật kháng thuốc và điều trị dự phòng do phơi nhiễm sau khi tiếp xúc với dịch cơ thể hoặc mầm bệnh truyền qua máu. Liên hệ hotline Bệnh viện FV (028) 54 11 33 33 để được tư vấn thăm khám điều trị bệnh truyền nhiễm. |
Yến Lê