>> Phần 1: Huỳnh Bửu Sơn và chuyến 'survey' Duyên Hải cùng chiếc dép nằm sâu dưới bùn

Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu phần 2 bài viết “Kỷ niệm về nhóm Thứ Sáu - những chuyến đi Hà Nội” của ông Huỳnh Bửu Sơn đăng trong cuốn Mười lăm năm Nhóm Chuyên viên kinh tế "Thứ Sáu".

Vào khoảng tháng 10 năm 1986 - tôi không nhớ rõ lắm - anh Hai Chí và anh Năm Nghị có đến trao đổi với anh em, chắc là do anh Hai Chí gợi ý và anh Phan Chánh Dưỡng nhận lời. Nội dung cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề giá - lương - tiền.

Anh Hai Chí nói qua về tình hình của TP.HCM và đề nghị anh em góp ý về một giải pháp nhằm giúp thành phố khắc phục hậu quả khó khăn này. Cuộc thảo luận rất sôi nổi vì không những nó đặt ra một số vấn đề về thực tiễn mà còn liên quan đến các vấn đề về lý thuyết kinh tế.

Hăng hái nhập cuộc

Tôi còn nhớ mình đã nói với anh Hai Chí rằng vấn đề này không thể chỉ giải quyết trong phạm vi TP.HCM và hơn nữa bản thân thành phố không thể tự giải quyết nổi. Cuối buổi họp, anh Dưỡng thay mặt anh em nhận lời thực hiện đề tài theo yêu cầu của anh Hai Chí. Đây có thể nói là một đề tài đầu tiên có tính chất vĩ mô mà Nhóm nhận thực hiện và tất cả anh em đều mang một tinh thần hăng hái nhập cuộc.

Nhóm Thứ Sáu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một chuyến đi thị sát đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Tôi vinh dự được anh em tín nhiệm giao làm chủ đề tài và cùng thống nhất là đề tài không hạn chế trong phạm vi thành phố vì nó đụng chạm đến những biện pháp kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, vì không có điều kiện tiếp cận số liệu thống kê kinh tế cả nước nên tôi phải sử dụng số liệu có được tại thành phố trước 1975 để minh hoạ và chứng minh. Phải nói rằng việc thu thập số liệu thống kê vào thời kỳ đó là muôn vàn khó khăn vì số liệu nào cũng được xem là mật cả.

Tuy thế, với một tinh thần hăng say, các anh em tham gia đề tài tích cực thảo luận trao đổi, góp nhặt số liệu, phân tích, đánh giá và đi đến thống nhất về nhận định tình hình và giải pháp đề xuất. Phải nói rằng quá trình đi đến thống nhất nhận định là một quá trình hết sức gay go và thú vị. Mỗi người đều nói hết những suy nghĩ, những đánh giá của riêng mình, vận dụng hết những kiến thức ở trường lớp, trong sách vở và cả những kinh nghiệm thực tế ngoài đời.

Và không phải chỉ có những người tham gia đề tài mới thảo luận mà mọi anh em có mặt trong buổi họp đều được mời tham gia ý kiến. Các cuộc thảo luận hăng say đến nỗi trước đây anh em chỉ họp mỗi tuần một lần, thời gian đó nâng lên mỗi tuần họp đến 3 lần vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Vậy mà buổi họp nào cũng đầy đủ anh em đến dự. Có hôm trời mưa như trút nước, anh Phan Tường Vân vẫn đạp chiếc xe lọc cọc đến. Có lúc anh em cũng cãi nhau căng thẳng, anh Tước và tôi phải dàn hoà. Vậy mà dần dần các vấn đề được mổ xẻ bộc lộ ra, sáng tỏ dần và điều đáng quý nhất là qua các cuộc tranh luận, anh em ngày càng thống nhất với nhau hơn trong cách nhận thức vấn đề. Đến cuối năm 1986, đề tài đã hoàn chỉnh.

Anh Dưỡng mời anh Hai Chí và anh Năm Nghị đến nghe trình bày sơ bộ và cho ý kiến. Hôm đó tôi được giao nhiệm vụ thuyết trình chính, không biết ăn nói thế nào mà sau đó anh Đỗ Hải Minh gặp tôi và góp ý “lúc đầu Sơn nói có hơi lọng cọng có lẽ chưa nóng máy”. Tuy nhiên, buổi nói chuyện hôm đó cũng rất sôi nổi, anh Hai Chí đặt nhiều câu hỏi, anh em thay phiên nhau trả lời và hầu như giải đáp được mọi thắc mắc của anh Hai Chí, hay ít ra có vẻ như thế. Sau đó chúng tôi gởi cho anh Hai Chí và anh Năm Nghị mỗi người một bản thảo của đề tài.

Đi về quá khứ

Ít lâu sau, khoảng vừa ra Tết, anh Dưỡng thông báo với anh em là anh Năm Nghị có gởi copy của đề tài ra Hà Nội cho ông Sáu Dân (lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) và cho biết có khả năng ông Sáu Dân sẽ mời một số anh em ra Hà Nội để trình bày về đề tài, dự kiến đoàn sẽ gồm anh Dưỡng, anh Tước và tôi. Ngoài ra, phía Quận 5 sẽ có anh Hai Đoàn là Giám đốc (trước đây là Phó chủ tịch UBND quận) cùng đi.

Việc đi đứng của anh Dưỡng, anh Tước là dễ rồi vì hai anh làm ở Cholimex, riêng tôi lúc đó đang làm việc tại Imexco mà chuyện đi này lại chẳng dính dáng gì với Imexco cả. Tôi báo với anh Dưỡng để nói lại với anh Hai Chí và sau đó thành phố có văn bản gởi anh Bảy Hoàng Tổng giám đốc Imexco đề nghị bố trí cho tôi đi Hà Nội, đồng thời anh Năm Nghị có đưa cho tôi một thư gởi ông Sáu Dân giới thiệu về việc có một đoàn ở thành phố ra Hà Nội báo cáo về vấn đề giá - lương - tiền theo yêu cầu của ông Sáu.

Chính Imexco đã mua vé máy bay cho tôi để đi cùng với anh Tước và anh Dưỡng nhưng thật không may cho tôi là vào giờ chót, anh Dưỡng cho biết không đi máy bay mà đi đường bộ và sẽ ra sau. Tôi nói không may là vì đây là lần đầu tiên tôi ra Hà Nội mà lại phải đi một mình. Thật ra, tôi đi đến hai mình vì cũng muốn nhân dịp này đưa bà xã thăm Hà Nội một chuyến cho biết thủ đô như thế nào. Thế là cả hai vợ chồng tôi đáp chuyến bay TU của Liên Xô đi Hà Nội vào một ngày thượng tuần tháng 3 năm 1987.

Khi đặt chân đến Hà Nội lần đầu tiên, cảm tưởng của tôi giống như đi về quá khứ. Tôi có cảm giác đã nhìn thấy khung cảnh này, cảnh vật này từ lâu, từ những hình ảnh tôi đã được đọc và đã thấy trên những trang sách học từ thời thơ ấu. Tôi thấy Hà Nội cũ kỹ nhưng đẹp và buồn man mác. Xe ca đưa chúng tôi từ Nội Bài về đến một bến đậu tôi không nhớ là ở đâu, có lẽ đâu đó gần Hồ Hoàn Kiếm.

Chúng tôi xuống xe và đón một chiếc xích lô nhờ đưa đến một khách sạn nào đó ở được. Lần đầu tiên đi xích lô Hà Nội, tôi thấy nó ngộ nghĩnh và thô sơ giống như một chiếc xe ba gác của Sài Gòn, trên xe không có nệm mà chỉ có một chiếc chiếu. Loại xe này hoá ra tiện lợi vì có thể vừa chở người vừa chở hàng, tuy nhiên người ngồi thì hơi bất tiện một chút.

Xe đưa vợ chồng chúng tôi đến khách sạn Thống Nhất - bây giờ là Metropole - là khách sạn sang nhất Hà Nội thời đó, có lẽ vì anh xích lô thấy chúng tôi là người ở “Xè goòng” ra chăng. Tôi bảo anh xích lô ngồi chờ và vào hỏi phòng, hoá ra họ không còn phòng nào trống. Tôi nhờ cô tiếp tân điện thoại đi hỏi các nơi, trong bụng đánh lô tô vì nếu các khách sạn đều hết phòng - như lời cô tiếp tân - chẳng lẽ hai chúng tôi phải trải qua đêm đầu tiên ở Hà Nội ngoài... công viên hay sao?

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, một trong những nhân chứng lịch sử của quá trình cải tổ nền kinh tế

Cuối cùng, may sao cô tiếp tân cho biết tại khách sạn Thăng Long ở Giảng Võ còn độc nhất một phòng, tôi đề nghị cô “book” ngay và tức tốc bảo anh xích lô đưa ngay đến đó, không quên cám ơn cô tiếp tân rất tử tế. Chúng tôi đến khách sạn Thăng Long vào khoảng 6 giờ chiều, sau khi trả tiền xích lô và một khoản xin thêm bằng 20% tiền cước. Đây là khách sạn cao nhất Hà Nội lúc bấy giờ (11 tầng), trông khá mới và bề thế.

Chúng tôi được bố trí một phòng ở tầng 9 và phải đi bộ vì cúp điện. Mỗi tầng có 20 bậc thang nên phải leo hết 180 bậc thang mới đến phòng. Tuy nhiên, phòng tương đối sạch sẽ và mới nên vợ tôi cũng tạm hài lòng, có điều khi nghĩ đến chuyện phải lội bộ đến 360 bậc thang để xuống tầng trệt ăn tối, tôi cảm thấy “oải” quá. Buổi ăn tối hôm đó tình cờ tôi lại gặp anh Ngô Công Đức. Đi xa, đến chỗ lạ hoắc lại gặp được người quen cũng thấy ấm lòng.

Thăm phố phường Hà Nội

Sáng hôm sau, việc làm đầu tiên của tôi là gọi điện thoại hỏi anh Tước chừng nào ra. Anh Tước cho biết chắc chắn sẽ ra nhưng chưa biết đích xác ngày nào, bảo tôi cứ yên tâm chờ. Thôi thì trong thời gian chờ đợi chẳng biết làm gì cứ đi thăm phố phường Hà Nội cho biết. Hai vợ chồng tôi lại kêu xích lô bảo chở ra Hồ Hoàn Kiếm, đó là địa danh quen thuộc mà tôi biết trước khi ra Hà Nội.

Ra đến Bờ Hồ, nhìn thấy tháp Rùa bé tí tôi hơi thất vọng. Nhìn cây cầu gỗ sơn màu đỏ thẫm nhưng đã bạc màu, tôi biết ngay đó là cầu Thê Húc và cạnh đó là đền Ngọc Sơn, tất cả đều bé nhỏ so với trí tưởng tượng trước đó của tôi. Nhưng Hà Nội với những con đường hẹp che đầy bóng mát, những mặt hồ phẳng lặng, những đền miếu cũ kỹ chất chứa hàng ngàn năm lịch sử và những phố phường còn chưa phai nhạt vết thời gian vẫn mang một dáng vẻ thân thiết khó tả.

Khi bước vào đền Ngọc Sơn, tôi cảm thấy như mình trở về nơi thân quen và tự đáy lòng dậy lên một niềm tin và kính trọng vô bờ đối với một sức mạnh linh thiêng của hồn thiêng sông núi như còn lẩn quất đâu đây.

Sau đó ít hôm, tôi còn có dịp trở lại đền Ngọc Sơn để khấn nguyện và lời nguyện đó hầu như được ứng nghiệm. Trong đền Ngọc Sơn, tôi nhìn thấy xác một con rùa vàng khá to, được biết đó là rùa ở Hồ Hoàn Kiếm, tôi hỏi đùa có phải đây là con rùa ngậm gươm của vua Lê Thái Tổ không? Người giữ đền nói không biết nhưng có thể là con rùa đấy, nhưng khi tôi xem kỹ lại độ tuổi của con rùa ghi ở bia cạnh bên thì nhận ra là không phải.

Chúng tôi lang thang ở Hà Nội mấy hôm, vợ tôi sốt ruột, ngày nào cũng đòi ra phòng vé Hàng không Việt Nam ở cạnh Bờ Hồ để đăng ký vé về vì sợ các bạn không ra, ở đất khách quê người không ai thân thuộc nếu hết tiền tiêu lấy gì sống, lại còn lo hai đứa con nhỏ ở nhà. Đã vậy việc đăng ký vé vô cùng khó khăn vì lúc đó đường bay Hà Nội - Sài Gòn rất thưa chuyến, số cán bộ đi công tác Sài Gòn lại rất đông.

Chuyến đi kinh khủng

Chờ mãi chẳng đi đến đâu, tôi rủ vợ tôi đi Chùa Hương, một phần để vơi nỗi lo, phần khác đây cũng là dịp tốt để chúng tôi tham quan một địa danh nổi tiếng của Bắc Hà.

Sáng thứ Bảy chúng tôi dậy sớm, sau khi đến đền Ngọc Sơn khấn nguyện, vợ chồng tôi ra bến xe đi Hà Đông để từ đó đến Chùa Hương theo hướng dẫn của nhân viên khách sạn. Thật là một chuyến đi kinh khủng: Trên một chiếc xe chỉ có thể chứa tối đa 40 người, người lái xe dồn ép đến khoảng 70 người.

Tại cabin của tài xế, nơi tôi đứng, tôi đếm được tất cả 14 người. Thật còn hơn nêm cối. Đến bến Đục, khi xuống xe, lần đầu tiên tôi mới hiểu hết ý nghĩa của câu thở phào nhẹ nhõm. Dọc đường ra bến Đục, hai bên là hàng quán san sát bán đủ các loại thực phẩm, thức uống, đặc biệt có bột sắn dây và nước mơ là hai thứ đặc sản của Chùa Hương.

Chúng tôi thuê đồ để vào chùa Thiên Trù, có ghé ngang chùa Trình. Thuyền ken nhau san sát, người đông như trẩy hội, mà đúng là hội thật vì đây là thời điểm chính vụ của hội chùa Hương. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp: “thuyền đông trời ơi chen”. Đến chùa Thiên Trù mới xế trưa, chúng tôi quyết định đi thẳng lên động Hương Tích.

Đêm trước đổi mới và 'anh Ba-Lê Duẩn, anh Năm-Trường Chinh'Đêm trước đổi mới và 'anh Ba-Lê Duẩn, anh Năm-Trường Chinh'Xem ngay

Vợ tôi khi ngồi trên xe có làm quen với một chị cán bộ đứng tuổi, chồng làm ở Bộ Giáo dục. Chị biết chúng tôi mới ở Nam ra nên sẵn lòng làm hướng đạo, may cũng nhờ có chị nên chúng tôi bớt bỡ ngỡ. Hôm ấy trời mưa phùn, đủ làm cho con đường đất và những bậc đá xanh trở nên trơn trợt.

Chúng tôi mỗi người mua một cây gậy trúc, vừa chống vừa đi. Người đi trẩy hội rất đông, có cả những bà cụ bảy tám mươi tuổi, nhưng phần đông là trong khoảng từ 20 đến 40, có những cặp tình nhân hay vợ chồng trẻ rất tình tứ. Những bà cụ vừa đi vừa niệm Nam Mô Phật giống y như Nguyễn Nhược Pháp tả trong thơ.

Đặc sản chùa Hương

Sau khi dừng chân mấy đoạn đường để “thở”, chúng tôi đến động Hương Tích vào lúc xế chiều. Chưa đi hết các bậc thang dẫn xuống động, tôi đã nghe mùi khói nhang sặc sụa. Từ cửa động, khói hương bốc ra cuồn cuộn. Tôi cố đưa vợ tôi vào trong động, chỉ thấy ánh sáng lờ mờ, khói hương mù mịt, những tảng thạch nhũ ẩm ướt và hàng chục pho tượng bằng sành sứ ẩn hiện trong màu khói lam dày đặc.

Người ta chỉ cho tôi tượng cô tượng cậu, nơi nhiều người hiếm muộn đến cầu tự. Có cả đường lên thiên đàng, đường xuống địa ngục, nhưng vì hang động tối quá và bị ngộp thở nên không có hơi sức đâu mà khám với phá. Khi tôi bước ra ngoài, thở không khí mát lạnh và nhìn khung cảnh rừng núi trùng điệp xung quanh mới thấy cảnh vật thiên nhiên ở đây quá đẹp. Đáng tiếc con người đã làm nó nhiễm trần tục quá nhiều.

Trên vách động gần phía ngoài có năm chữ nho Nam Thiên Đệ Nhất Động, nét mực còn mới chắc vừa tô lại xong. Tôi nghĩ khi vua Lê đến đây, trong khung cảnh hoành tráng của thiên nhiên, lộ ra một hang động kỳ vĩ được bàn tay điêu khắc thần kỳ của Tạo hoá dựng nên, phải xúc động sâu sắc lắm mới tặng cho nó một danh hiệu xứng đáng như thế. Ngày nay, nếu vua Lê sống dậy, chắc cũng lấy làm tiếc cho một khung cảnh đã mất đi nhiều vẻ thần tiên của nó.

Khi chúng tôi về, trời đã hoàng hôn. Trên đường đi xuống tôi mới có dịp thong thả ngắm nhìn rừng mơ bên dưới. Thấp thoáng có bóng ai lẫn trong cánh rừng mơ đã mờ sương. Mùa này mơ chưa có trái, những nước mơ, rượu mơ được bày bán là của mùa trước. Chúng tôi còn ghé qua một cái đền nữa mà tôi không nhớ tên, chỉ còn nhớ nơi đó có một cái giếng cạn, khách thập phương thường đến để cầu tài và ném tiền vào trong đó. Đến lưng chừng núi thì trời đã tối mịt.

Chúng tôi ngồi nghỉ chân ở bên đường, nghe tiếng nai kêu thê thiết trên sườn núi. Về đến chùa Thiên Trù, người rã rời. Chúng tôi thuê một chiếc phản đủ cho hai người nằm, có mùng, được kê san sát cùng với các chiếc phản khác tạo thành một mặt phẳng rộng đủ chỗ cho hàng chục người nằm kề nhau, chỉ cách biệt bởi vách và mùng. Không có nước máy, một thau nước giếng rửa phải mua với giá 5 đồng, gần bằng một tô phở.

Điều kiện vệ sinh cực kỳ khủng khiếp. Chỉ cần đến đó, nhìn thấy, nghe mùi là tôi đành nhịn luôn, không dám nghĩ tới nữa. Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để tiếp tục cuộc hành trình thăm các thắng cảnh của Hương Sơn. Nơi đây giống như Vịnh Hạ Long được thu nhỏ và đặt trên đất liền. Có những tảng núi đá vôi với những hình dạng kỳ lạ mà tuỳ theo trí tưởng tượng của mỗi người có thể hình dung chúng là những con thú hay những vật dụng. Có ngọn núi trông giống như một con voi bị chém mất phần đuôi và thế là có cả một chuyện cổ tích kèm theo để minh họa cho hình tượng đó.

Trời nắng gắt, chúng tôi ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại, nhưng khi đứng được vào bóng mát là cảm thấy không khí mát rượi, dễ chịu ngay. Đến tận trưa chúng tôi mới quay về chùa Thiên Trù. Tôi và vợ tôi còn đi lên một thạch động kề bên chùa Thiên Trù để ngắm cảnh. Từ trên cao nhìn xuống, phong cảnh thật không khác gì Vịnh Hạ Long với những hòn đảo lô nhô trên mặt biển là những cánh đồng mạ non xanh rờn gợn sóng. Xế trưa, chúng tôi xuôi dòng suối Yến trở về Bến Đục, vẫn còn thấy từng đoàn người trẩy ngược vào Hương Sơn. Vợ tôi mua một ít bột sắn dây vì thấy lạ và nghe nói uống bột sắn dây rất mát, đây là lần đầu tiên chúng tôi biết đến thứ đặc sản này.

* Kỳ tới: Diện kiến ông Sáu Dân và giải pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế

Huỳnh Bửu Sơn

Những ai hết lòng vì dân vì nước lịch sử không bao giờ quên

Cuộc sống vốn công bằng. Những ai phấn đấu, hy sinh, hết lòng vì dân vì nước thì lịch sử, cuộc sống và cả những người không quen biết cũng sẽ không bao giờ quên họ.