Thị trường tài chính Việt Nam 2017 dồn dập đón nhận hàng loạt tín hiệu tích cực vào thời điểm cuối năm. Những cú đảo chiều ngoạn mục và đầy bất ngờ mang lại sự lạc quan. Tuy nhiên, các chuyên gia còn lo ngại rủi ro mang tính hệ thống, lâu dài. Đây là những vấn đề cố hữu, được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều những dù 'biết rồi nói mãi' những không thể chủ quan, mất cảnh giác.
Kỷ lục tăng trưởng
Sáng 26/12, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017, với hầu hết các đánh giá khá tốt đẹp. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục ở mức cao, khoảng 6,5-6,8%.
TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thư ký Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết, xu thế tăng trưởng đạt được trong nhiều năm qua và hiện ở mức 6,5%. Dự báo tăng trưởng 2018 có thể đạt mức 6,8% khi các biện pháp kích cầu được áp dụng và có thể còn cao hơn nữa nếu các chính sách cải thiện bên cung phát huy tác dụng.
Các chuyên gia kinh tế, tài chính tại buổi họp của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia |
Đây là một dự báo khá tích cực dựa trên kết quả tăng trưởng cao của năm 2016, ở mức 6,7% đúng kế hoạch đề ra, cao hơn nhiều so với hàng loạt các dự báo 6-6,5% của đa số các tổ chức trong và ngoài nước trước đó như Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ với 6%. Còn ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo đạt cao hơn mức 6,7%, tăng 0,49 điểm phần trăm so với năm 2016.
Bên cạnh tăng trưởng ấn tượng, ổn định vĩ mô tiếp tục được duy trì, lạm phát dự báo khoảng 3,15%. Hệ thống ngân hàng cũng ổn định hơn sau khi xử lý được khoảng 70 ngàn tỷ nợ xấu, lợi nhuận của hệ thống tăng trên 40%. Điều này sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất trong thời gian tới.
Lạc quan màu hồng và những rủi ro tiềm ẩn
Hầu hết các đánh giá cho thấy, thị trường tài chính Việt Nam 2017 đã có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế cao, thương mại bùng nổ và các yếu tố như lạm phát, tỷ giá... ổn định.
Tăng trưởng được hỗ trợ tích cực bởi 3 nhân tố chủ đạo, đó là: môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện tích cực (FDI tăng 50%, FII tăng mạnh nhất từ 2011); khu vực tư nhân trở thành động lực, với kỷ lục 125 ngàn DN đăng ký mới; nền tảng tài chính ngày càng được củng cố, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng (cung ứng vốn của hệ thống tài chính tăng 28,6%).
Sự mất cân đối về cơ cấu của thị trường tài chính được cải thiện, thị trường vốn huy động giúp huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn cho nền kinh tế; các rủi ro về kỳ hạn được giảm thiểu. Thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng mạnh nhất khu vực và nằm trong số 5 thị trường tăng trưởng hàng đầu thế giới. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt xấp xỉ 66% GDP, gấp hai lần năm 2015.
Báo cáo cũng đánh giá thị trường tiền tệ năm 2017 khá ổn định và dòng vốn tín dụng vào mục tiêu sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định giúp hỗ trợ xuất khẩu và tăng dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục 47 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà chưa được nêu ra một cách rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Văn Thuỳ - Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp, (NFSC), tỷ lệ nợ xấu ngân hàng năm 2017 là 9,5% giảm mạnh so với con số 11,5% trước đó nhưng vẫn còn cao gấp gần 4 lần so với con số chưa đến 3% do hệ thống ngân hàng tự báo cáo và cao hơn nhiều so với con số 2,34% (chưa tính khoản bán sang VAMC) mà thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo tại phiên chất vấn tại Quốc hội hồi giữa tháng 11.
Ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, báo cáo “hồng quá”, lạc quan quá, nên dành nhiều thời lượng đưa ra những cảnh báo về các rủi ro trong trung và dài hạn như trong trường hợp hệ thống các ngân hàng Việt Nam và yêu cầu hội nhập...
Theo ông Thành, nên nới lỏng trong thị trường liên ngân hàng và đẩy mạnh tín dụng cho bất động sản và tiêu dùng bởi tỷ lệ hiện nay tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với khu vực, chỉ ở vào khoảng 18%, thay vì 30% như các nước. Vấn đề là ngân hàng Việt Nam có đủ năng lực để bung vốn cho lĩnh vực này hay không.
Ông Lê Đức Thúy, nguyên thống đốc NHNN, cũng đã cập tới bất cập về chênh lệch lãi suất ở Việt Nam và một số bất cập ở thị trường liên ngân hàng cũng như các lãi suất điều hành... Trong khi đó, ông Trương Văn Phước cũng thừa nhận vẫn còn những “vấn đề thầm kín” của hệ thống NH Việt Nam.
Một số vấn đề lớn cũng được nhiều chuyên gia nhắc lại như: rủi ro nợ công, hiệu quả sử dụng nợ công thấp, lãi suất chính phủ dài hạn ở mức cao gây ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế... Đây là những vấn đề cố hữu, được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều những dù 'biết rồi nõi mãi' những theo các chuyên gia thì không thể mất cảnh giác.
Chuyên gia Võ Trí Thành lo ngại về vấn đề tham nhũng, sự trì trệ vẫn còn, hiện tượng trên nóng dưới lạnh, tín hiệu không tốt từ khối SMEs với lợi nhuận giảm và khả năng thanh toán yếu; sự chênh lệch bất bình thường tổng đầu tư (33-34%) so với tổng tiết kiệm dân cư (28-29% GDP tính cả kiều hối) và tổng đầu tư FDI (7-8%); câu chuyện hiệu quả kinh tế và nguồn gốc các dòng tiền đổ vào Việt Nam,... Ông cũng nêu một số rủi ro trên thế giới có thể ảnh hưởng tới Việt Nam.
M. Hà