Ngày 11/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Công văn số 2919/UBND-KTN chỉ đạo đến các sở, ban, ngành liên quan và địa phương trong tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Văn bản nhằm mục đích tăng cường thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trái cây cho thị trường Trung Quốc và các nước trong thời gian tới, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tập trung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Lai Châu tập trung các chính sách hỗ trợ phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Ảnh: Lê Anh Dũng. 

Thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác mở cửa thị trường; giải quyết các rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt chú trọng tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số…

Riêng các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản. Tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện hiểu và nắm được các quy định về cấp, quản lý và sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định.

UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo luôn duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói. Chủ động có biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Các địa phương trong tỉnh rà soát lại toàn bộ các vùng cây ăn quả tập trung trên địa bàn đang xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc có khả năng xuất khẩu đi các nước, các mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp. Kêu gọi, hướng dẫn các doanh nghiệp liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm xuất khẩu thông qua các đầu mối (hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ...) để quản lý, giám sát; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và đề xuất cấp mã vùng trồng đảm bảo các yêu cầu theo duy định tại TCCS 774:2020/BVTV và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Định hướng phát triển các vùng cây ăn quả xuất khẩu phải đảm bảo tập trung, ổn định, lâu dài, có khả năng đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và của nước nhập khẩu. Bổ sung các chỉ tiêu về xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói... vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025; ưu tiên hỗ trợ đối với các vùng, các liên kết bền vững, có khả năng xuất khẩu.

Giao đơn vị đầu mối phối hợp quản lý, theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng năm về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Quỳnh Nga