Lãi đều nghìn tỷ
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch, có kế hoạch không chia cổ tức năm 2022 dù lợi nhuận lên tới 8.444 tỷ đồng. Năm 2021 lãi kỷ lục, HPG cũng chỉ trả cổ tức 5% bằng tiền và 30% bằng cổ phiếu.
Lý do Hòa Phát không chia cổ tức vì muốn dồn toàn bộ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty đang tiến hành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2.
Chia sẻ tại đại hội, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát cho biết, nhu cầu vốn trong năm 2023 của tập đoàn rất lớn. Tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất đến nay là 75.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD. Theo ông Long, một dự án như vậy bằng cả nghìn dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác.
Trên thực tế, tình hình tài chính của Hòa Phát khá tốt. Trong năm 2021, HPG lãi gần 34.500 tỷ đồng. Trong năm 2022, tập đoàn này lãi ròng hơn 8.483 tỷ đồng. Trong quý I/2023, HPG lãi hơn 383 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Hòa Phát tới cuối tháng 3/2023 là gần 34.189 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền của HPG đạt hơn 7.868 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi ngân hàng) lên tới hơn 27.420 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn PAN ghi nhận lợi nhuận năm 2022 hơn 790 tỷ đồng. Lợi nhuận nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty là 1.186 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp không chia cổ tức. PAN dự tính dành tiền cho hoạt động cân đối nguồn vốn và đầu tư phát triển.
Tương tự, ABBank cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở mức gần 1.357 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối lên tới hơn 3.000 tỷ đồng vào cuối quý I/2023. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng nhiều năm chưa chia cổ tức bằng tiền mặt và có thể sẽ cần tích luỹ từ lợi nhuận thêm 3-5 năm nữa.
Thiếu hụt dòng tiền
Trái ngược với một số “ông lớn” ôm nghìn tỷ không trả cổ tức, một số doanh nghiệp trì hoãn trả cổ tức vì gặp khó khăn về dòng tiền.
Tháng 3/2023, CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) có văn bản giải trình về việc chưa thực hiện trả cổ tức bằng tiền (5%) năm 2021 với lý do công ty chưa cân đối, bố trí được dòng tiền. Theo đó, doanh nghiệp không đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn sau khi trả cổ tức cho cổ đông.
Theo HPX, nửa cuối năm 2022 là thời điểm khó khăn đối với doanh nghiệp do thị trường bất động sản suy thoái, mất thanh khoản, việc tiếp cận các nguồn vốn từ tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu không thực hiện được.
Bên cạnh đó, từ tháng 10/2022, áp lực trả nợ các khoản vay, trái phiếu đến hạn của HPX lớn. Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, HPX ghi nhận dòng tiền âm hơn 483 tỷ đồng.
Ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị HPX và những người có liên quan liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu trong nhiều tháng qua. Tỷ lệ sở hữu của ông Hải tại HPX giảm từ gần 26% xuống còn khoảng 14%. Cổ phiếu HPX từ mức trên 26.000 đồng/cp cuối tháng 10/2022, xuống còn quanh 4.000 đồng/cp. Đây cũng là thị giá thấp lịch sử của cổ phiếu HPX.
CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) có 8 lần trì hoãn trả cổ tức 2016 và nhiều lần trì hoãn trả cổ tức 2017. Doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền trong nhiều năm qua và không chấp nhận bán đất để cải thiện tình hình tài chính.
SJS cũng vừa điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu giảm từ 1.181 tỷ xuống còn 563 tỷ đồng và lợi nhuận giảm từ 264 tỷ xuống còn 145 tỷ đồng.
CTCP Lilama 45.4 (L44) có kết quả kinh doanh bi đát và từng có 8 lần dời ngày nhận cổ tức bằng tiền cho năm 2012 và năm 2013. Lần dời gần nhất kéo thêm 1 năm, từ cuối năm 2022 tới cuối năm 2023.
L44 gặp khó khăn về tài chính trong nhiều năm qua. Nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) số tiền lớn. Doanh nghiệp này thua lỗ 6 năm liên tiếp tính tới cuối năm 2021.
Có thể thấy, trong những năm khó khăn vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng thua lỗ, thiếu hụt dòng tiền, thậm chí phá sản. Việc không chia cổ tức cũng là điều dễ hiểu.
Với những doanh nghiệp lãi lớn, việc không chia cổ tức hoặc chia cổ tức thấp là nằm trong chiến lược phát triển kinh doanh. Tiền được dùng để tận dụng cơ hội mua bán, thâu tóm, mở rộng thị trường hoặc/và tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi.
Về cơ bản, chiến lược này mang lại lợi ích to lớn cho các cổ đông gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nhưng khiến các cổ đông nhỏ lẻ, đầu tư ngắn hạn cảm thấy bị thiệt thòi. Nhiều người lo sợ vị trí “thấp cổ bé họng” của các nhà đầu tư nhỏ không có vai trò gì trong các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.
Họ có thể thua thiệt khi lãnh đạo các doanh nghiệp lạm dụng vai trò của mình phục vụ cho các lợi ích riêng lẻ khác, như từng thấy với một số doanh nhân vướng vòng lao lý vì bơm tiền sang các “sân sau”, sang các dự án có lợi cho họ…
Mong muốn được trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao của các cổ đông nhỏ trong tất cả các đại hội cổ đông gần đây thường không đạt được. Quyền quyết định vẫn nằm trong tay các cổ đông lớn.
Các đại gia muốn sử dụng đồng tiền để doanh nghiệp phát triển theo định hướng của họ. Cổ đông nhỏ không hài lòng chỉ còn lựa chọn là bán cổ phiếu.