Đồng loạt hạ lãi suất cho vay
Trong bối cảnh lãi suất huy động tiệm cận mức thấp nhất lịch sử, gần đây, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Đơn cử, từ đầu tháng 4, Vietcombank triển khai các gói vay vốn ưu đãi cho khách hàng cá nhân mua ôtô, nhà, tiêu dùng cá nhân,... và phục vụ nhu cầu vay vốn lưu động, phục vụ sản xuất kinh doanh cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (khách hàng SME) với mức lãi suất cho vay từ 6,79%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc 7,29%/năm trong 12 tháng đầu.
Nhà băng này cũng cho vay với lãi suất cố định với các kỳ hạn dài 18, 24, 36, 60 tháng và các kỳ hạn đặc biệt lên tới 7 năm, 10 năm. Với nhóm khách hàng cá nhân nhận lương qua Vietcombank sẽ được vay với mức lãi suất thấp hơn 0,1 điểm %/năm lãi suất thông thường.
Tương tự, ABBank vừa triển khai 3 gói vay ưu đãi hạn mức 1.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ (SSE) với lãi suất chỉ từ 4,4%/năm bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ thanh toán cho đối tác nước ngoài hay trả nợ các khoản vay ngoại tệ khác. ABBank cũng áp dụng lãi suất vay từ 4,9%/năm với DN có nhu cầu vay bổ sung vốn.
Ngoài ra, ngân hàng này dành 4.000 tỷ cho các khách hàng SME và SSE vay ngắn hạn dưới 12 tháng để bổ sung vốn sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư tài sản cố định, lãi suất từ 6,2%/năm. Với nhóm khách SME có nhu cầu vốn từ 24 tháng trở lên, mức lãi suất cố định từ 8,5%/năm cho 6 tháng đầu hoặc 9,5%/năm cho 12 tháng đầu của khoản vay.
Cũng nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa, BIDV áp dụng gói cho vay quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 3,8-5,5%/năm (kỳ hạn 3 tháng), 4-6%/năm (kỳ hạn 3-6 tháng) và 4,5-6,5%/năm (kỳ hạn 6-9 tháng), áp dụng từ 24/2 đến hết ngày 30/9.
VietinBank gia hạn chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến ngày 30/6/2021, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức ưu đãi lãi suất rất hấp dẫn. Nhà băng này tăng quy mô gói cho vay ưu đãi lãi suất trung và dài hạn lên đến 50.000 tỷ đồng, thời gian ưu đãi tới 36 tháng.
HDBank cũng giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất thấp nhất chỉ 3%/năm dành cho các cá nhân và DN siêu nhỏ. Gói vay này dành cho khách hàng vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng lên đến 3 tỷ đồng, ân hạn vốn gốc 6 tháng.
Vietbank triển khai chương trình "Chung tay cùng doanh nghiệp 2021" và "Gắn kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu 2021” với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ 6,5%/năm. Nếu để giải ngân phục vụ sản xuất kinh doanh thì lãi suất cho vay chỉ từ 6%/năm. DN còn được miễn phí trả nợ trước hạn và giảm 50% phí thanh toán quốc tế. Với khách hàng cá nhân, được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm trong 3 tháng đầu và chỉ từ 7%/năm trong 6 tháng đầu với tổng hạn mức lên đến 1.000 tỷ đồng dành cho gói ngắn hạn và 2.000 tỷ đồng gói trung, dài hạn.
Lãi suất cho vay còn giảm thêm?
Mặt bằng lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm lại đây. Ở khối các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến ở mức 5-6%/năm ngắn hạn và 7-8%/năm trung dài hạn. Với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, lãi vay ngắn hạn chỉ quanh mức 4,5%/năm.
Còn khối ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất cho vay cao hơn một chút song các nhà băng này luôn có chính sách ưu đãi dành riêng cho các nhóm khách hàng tiềm năng.
Dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhưng theo các chuyên gia, dư địa để các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất là vẫn còn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 19/3, tăng trưởng tín dụng là 1,47% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 0,54% của tiền gửi. Như vậy, các ngân hàng thương mại có thể chủ động giảm huy động để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay để đảm bảo mức sinh lời.
Còn theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất tiền gửi đã giảm 2-2,5 điểm % trong năm 2020 song lãi suất cho vay chỉ giảm 1-1,5 điểm %. Việc này khiến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%.
SSI cho rằng, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng thương mại sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3,5%.
“Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý II/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 30-50 điểm % trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định”, SSI nhận định.
Trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3 vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Nếu các chỉ số diễn biến hợp lý, sẽ cố gắng điều hành theo xu hướng hạ lãi suất huy động và cho vay. NHNN sẽ đề nghị các tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm các chi phí, để tiếp tục hạ lãi suất khi có điều kiện trong năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuấn Dũng