Đề xuất mới đây của Cục Cảnh sát giao thông về việc đưa nội dung lái xe ô tô trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe ô tô, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận cũng như độc giả VietNamNet.

Hầu hết ý kiến xoay quanh tính cần thiết của đề xuất trên, đồng thời tranh luận về việc lái xe  trên đường cao tốc có khó hơn trên đường phố hoặc đường trường hay không?

Lái xe trên đường cao tốc có khó hơn đi đường phố hoặc đường quốc lộ, tỉnh lộ hay không? (Ảnh minh hoạ: Hoàng Hiệp)

Dưới đây là bài viết của độc giả Vũ Văn Hùng (53 tuổi, trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa gửi về cho VietNamNet nêu quan điểm xung quanh vấn đề này:
 
Cá nhân tôi không dám phán xét việc đề xuất đưa nội dung lái xe ô tô trên đường cao tốc vào nội dung học lái xe là đúng hay sai, cần thiết hay không, bởi các cơ quan hữu quan chắc chắn sẽ nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào áp dụng vào thực tế. Tuy vậy, xin mạn phép đưa ra một vài góc nhìn.

Tôi từng nhiều năm lái xe cho một số doanh nghiệp nhà nước, từ xe con, xe đưa đón cán bộ, thậm chí cả xe tải,… được đặt chân đến hầu hết các tỉnh của 3 miền đất nước.

Nếu chia các loại đường của Việt Nam chúng ta thành 3 loại chính là đường phố (trong đô thị, khu đông dân cư), đường trường (các loại quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ,…) và đường cao tốc thì đa số cánh lái xe chúng tôi cho rằng, chạy đường cao tốc là dễ nhất.

Lý do là đường cao khá đẹp, rộng rãi, ít giao lộ và không có xe máy (trừ một số tuyến được gọi là cao tốc nhưng vẫn cho xe máy chạy chung tôi không tiện nêu tên). Lái xe trên đường cao tốc thường chỉ cần chú ý đi đúng làn, đúng vận tốc cho phép và giữ đúng khoảng cách là đã đảm bảo an toàn đến trên 90% rồi. 

Chưa kể, các xe ô tô con đời mới hiện nay rất hiện đại, có trang bị nhiều tính năng hỗ trợ người lái như cruise control, giữ làn đường, cảnh báo va chạm, bản đồ,… nên thực sự lái xe trên cao tốc rất nhàn.

Trong khi đó, đi đường trường như đường nông thôn, đường đèo dốc,... có tính phức tạp cao nhất, lái xe luôn phải đối mặt với những mối nguy hiểm, xung đột giao thông lớn, nhiều phương tiện cắt ngang, hay thậm chí cả động vật như bò, chó,… bất chợt chạy ra đường. Còn đi đường phố thì tất nhiên là rất mệt, nhất là khi phải nhích từng mét do tắc đường.

Vậy, lái xe ở cao tốc khó hay dễ?

Nói lái xe trên cao tốc nhàn nhất nhưng không có nghĩa là lái xe trên cao tốc là “dễ" nhất, bởi đường cao tốc được thiết kế đi với tốc độ rất cao, mọi sai lầm, bất cẩn có thể không có cơ hội sửa sai, thậm chí trả giá đắt bằng cả mạng sống. Do vậy đòi hỏi người lái phải có một số kinh nghiệm cũng như kỹ năng xử lý nhất định. 

Tôi lấy ví dụ như đi trên cao tốc, nếu lái xe với tốc độ chậm thì nên sang làn bên phải, nhường làn bên trái ngoài cùng cho những xe có tốc độ cao hơn. Hay khi nhập làn vào cao tốc cần nhập vào từ làn ngoài cùng bên phải, rồi quan sát và tăng tốc dần,...

Quay trở lại với việc đề xuất bắt buộc người học lái ô tô phải được thực hành trên đường cao tốc trước khi cấp giấy phép lái xe, tôi nghĩ đây là ý tưởng tốt giúp những học viên nắm được những kỹ năng cơ bản khi đi trên cao tốc. Tuy vậy, đề xuất này lại thiếu khả thi trong điều kiện hiện nay.

Thứ nhất, đường cao tốc với lưu lượng phương tiện lớn và tốc độ cao tuyệt đối không phải là "bãi thử" cho những tay tập lái còn chưa được cấp bằng. Nếu có vấn đề gì xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Còn để các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe bỏ kinh phí để tự xây dựng một đoạn đường vài chục km theo chuẩn đường cao tốc chỉ để học viên tập lái là điều không thể.

Thứ hai, đi trên cao tốc tất nhiên phải trả thêm tiền, bao gồm tiền xăng xe, tiền phí đường bộ,... khi bổ sung thêm học phần này vào chương trình đào tạo lái xe sẽ cộng thêm không ít chi phí, tạo gánh nặng lớn lên học viên mà chưa biết hiệu quả đến đâu.

Hơn nữa, như tôi nói ở trên, với 3 loại đường chính thì đường trường có tính phức tạp cao, dễ xảy ra tai nạn nhất. Khi học lái xe, chúng ta đã được thực hành trên loại đường này thì việc thực hành trên loại đường “nhàn chân” hơn như cao tốc là không cần thiết.

Và thứ ba, khi học lái xe, học viên luôn được dạy các bài đi chậm rồi mới đến đi nhanh. Nếu đi chậm trong bãi tập hoặc các đoạn đường trường (dù là ít ỏi) còn chưa thạo, chưa xử lý tốt thì việc dạy ngay học viên đi với vận tốc trên dưới 100 km/h chẳng khác nào "chưa học bò đã lo học chạy".

Nên có nhiều tình huống lái xe trên đường cao tốc vào phần mềm mô phỏng lái xe

Mặt khác, trong khi chương trình học lái xe mới đây đã có phần mô phỏng tình huống trên ca-bin rồi, nên chăng kết hợp các tình huống lái xe cơ bản trên cao tốc như nhập làn, chuyển làn, vượt xe,... trên các phần mềm này, vừa thiết thực lại vừa giúp học viên có thêm kỹ năng.

Tôi nghĩ rằng, lái xe là cả một quá trình tích luỹ lâu dài, thậm chí những người được gọi là "tài già" như chúng tôi vẫn không thể nói rằng mình lái tốt và chủ quan được. 

Do vậy, tôi nghĩ các trung tâm tổ chức bổ túc thêm cho học viên về kỹ năng đi trên cao tốc sau khi được cấp bằng sẽ là phù hợp hơn thay vì bắt buộc một cách khiên cưỡng, gây tốn kém mà hiệu quả không cao.

Độc giả Vũ Văn Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội)

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!