Trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, có tới 5 dự án có liên quan đến yếu tố Trung Quốc. Nhiều đại dự án nghìn tỷ có quan hệ làm ăn với Trung Quốc ban đầu thường “yên ả” nhưng càng về sau, xuất hiện càng nhiều sóng gió với những “cú bắt tay” này.
Mắc kẹt với nhà thầu Trung Quốc
Trong số đại dự án đang gặp vướng mắc với tổng thầu MCC Trung Quốc, Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 là long đong hơn cả. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 4.500 tỷ, nhưng đến nay vẫn còn dang dở, nằm đắp chiếu.
Dấu hiệu “cơm chẳng lành, canh không ngọt” với nhà thầu Trung Quốc ở đại dự án này bắt đầu từ vài năm trước. Khi Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) còn loay hoay tìm cơ chế tiếp tục dự án thì tổng thầu Trung Quốc phụ trách từ hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình là MCC đã bỏ về nước.
Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2. Ảnh: L.Bằng |
Việc xử lý dự án này sau thời gian dài dang dở phụ thuộc không nhỏ vào việc đàm phán với MCC liên quan đến trách nhiệm các bên khiến dự án chậm tiến độ.
TISCO cho hay: Quá trình đàm phán với MCC diễn ra liên tục từ đầu quý I/2013 đến cuối quý IV/2015, trải qua 12 lần đàm phán vẫn chưa kết thúc vì còn một số nội dung vượt thẩm quyền của chủ dầu tư, cần phải trình xin ý kiến giải quyết của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.
Năm 2016, TISCO đã mời lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn MCC đến Việt Nam để đàm phán. Biên bản ghi nhớ thống nhất nguyên tắc chung để tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án đã được các bên ký kết. MCC cũng đã cử đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đến TISCO để thu thập số liệu thực tế, tiến hành tính toán báo giá thực hiện hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của dự án theo hình thức EPC. Nhưng quá trình này cũng không thể kết thúc trong “một sớm một chiều”.
Khác với dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, Dự án Đạm Ninh Bình 12.000 tỷ có nhà thầu Trung Quốc là nhà thầu Hoàn Cầu đã hoàn thành đi vào hoạt động. Song, ngoài số lỗ đến gần 2.000 tỷ, đến nay dự án chưa thể quyết toán được.
Theo Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình, dự án có 15 tồn tại trong Hợp đồng EPC với nhà thầu Hoàn Cầu, trong đó có 5 tồn tại được tổ đàm phán của hai bên thống nhất, 10 tồn tại vẫn chưa được giải quyết.
“Dự án có khối lượng hồ sơ lớn, phức tạp, chứng từ thanh toán cho từng thiết bị hoặc hạng mục chia làm nhiều lần, nhiều nguồn vốn, nhà thầu EPC lại không thực hiện yêu cầu quyết toán hợp đồng EPC, trong đó quan trọng nhất là nhiệm vụ nhà thầu phải lập quyết toán A-B. Đây là khó khăn vô cùng lớn cho công tác quyết toán hợp đồng EPC”, Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình phàn nàn.
Vì thế hồ sơ quyết toán đáng ra phải được trình trong quý I/2017 đã trễ hẹn. Giám đốc Ban quản lý dự án đã phải nhận khuyết điểm trước Tập đoàn Hóa chất và đặt mục tiêu hoàn thành hồ sơ quyết toán có kiểm toán trước 30/6/2017.
Liên doanh với Trung Quốc cũng gặp khó
Trong số những dự án có bóng dáng DN Trung Quốc, Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai là khá đặc biệt.
Dự án nhà máy gang thép Lào Cai liên doanh với Trung Quốc. Ảnh: L.Bằng |
Trung Quốc vừa là đối tác liên doanh, vừa là nhà thầu của dự án 6.000 tỷ này. Ngoài khoản lỗ hơn 1.000 tỷ đồng từ khi vận hành, cú bắt tay này đã xuất hiện dấu hiệu bất lợi cho phía Việt Nam.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan chỉ đạo các bên liên doanh đàm phán và sửa đổi lại Hợp đồng liên doanh phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành. Trong đó, có tính đến việc bổ sung các cổ đông có năng lực, đồng thời chỉ đạo các cổ đông của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM) góp vốn để đầu tư hoàn chỉnh dự án trong Quý II/2017.
Nguyên do là dù đóng góp nhiều vốn hơn tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (Việt Nam 55%, Trung Quốc 45%), số thành viên Hội đồng quản trị nhiều hơn (Việt Nam 4, Trung Quốc 3) nhưng phía Việt Nam không được toàn quyền tự quyết hoạt động của công ty mà phụ thuộc vào việc cổ đông phía Trung Quốc đồng ý hay không.
Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) - đơn vị đã rót gần 1.000 tỷ vào liên doanh này - từng chia sẻ, điều lệ của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện Kim Việt Trung có nêu: Các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD đều phải theo cơ chế đồng thuận thay vì cơ chế tỷ lệ cổ đông, có nghĩa Hội đồng quản trị công ty muốn làm gì thì phải được toàn bộ thành viên hội đồng quản trị chấp thuận.
Đây là một trong các nguyên nhân chính đẩy nhà máy gặp nhiều khó khăn trong điều hành hoạt động. Đàm phán lại hợp đồng liên doanh với Trung Quốc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là một trong những “lối ra” cho đại dự án này.
Bình luận về việc làm ăn với DN Trung Quốc trong các đại dự án, một chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chúng ta phải nhìn nhận rằng việc hợp tác với nhà thầu, DN Trung Quốc trong những dự án lớn đã không tính hết các rủi ro có thể xảy ra".
“Những rắc rối phát sinh trong việc làm ăn với DN Trung Quốc có thể được hạn chế nếu chủ đầu tư tỉnh táo hơn và có tầm nhìn hơn”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Hà Duy
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã liệt kê một loạt những quyết định đầu tư sai lầm dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009-2011. Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân/tổ chức đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Một loạt các nhà đầu tư “ngoại” đang sẵn sàng “giải
cứu” các dự án ngàn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả này. Hàng loạt DN nhập khẩu ô tô bị truy thu gần 1.000 tỷ đồng tiền thuế, do phát hiện giá khai báo thấp. Trong 12 dự án thua lỗ có 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 5 dự án, 2 dự án có “bóng dáng” Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel). 7 nhà máy này gồm: đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng,
Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án
liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu khẩn trương xử lý dứt điểm dự án thua lỗ, đắp chiếu, không để tiếp tục kéo dài
gây thiệt hại cho Nhà nước; Các nhà máy nhiên liệu sinh
học đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương
mại. Toàn bộ số tiền đầu tư vào dự án là 5.400 tỉ đồng. Do đó, hồ sơ sẽ được chuyển sang Bộ Công an xử lý. Có dự án chết khi đi vào vận hành không lâu, có dự án chưa thành hình
đã chết yểu, để lại đống tiền tỷ gỉ sét, cho nắng mưa tàn phá. Hàng loạt “ông lớn” nhà nước dính phải
các bê bối về nợ khó đòi, làm ăn thua lỗ, khả năng mất trắng khoản vốn đã đầu
tư. Nhiều cổ phiếu tuột dốc không phanh ngược với đà tăng vốn thần tốc
lên vài trăm lần trong một thời gian ngắn của DN. Điều này khiến túi
tiền của cổ đông bốc hơi cả trăm tỷ đồngLoạt dự án ngàn tỷ thua lỗ của PVN thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch
Truy trách nhiệm cá nhân ở 12 dự án ngàn tỷ tai tiếng
Dự án ngàn tỷ đắp chiếu: Càng làm càng lỗ, đắt khách đại gia
Cuộc truy xét ngàn tỷ: 'Sờ gáy' đại gia, đình chỉ quan chức
12 dự án ngàn tỷ thua lỗ: 'Ông lớn' Dầu khí, Hóa chất vô địch
Lộ thêm 7 dự án ngàn tỷ càng làm càng thua lỗ lớn
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh truy trách nhiệm dự án ngàn tỷ 'đắp chiếu'
Chuyển công an điều tra 3 dự án ngàn tỷ của Tập đoàn Dầu khí
Dự án ngàn tỷ đắp chiếu: 'Tượng đài' lãng phí
'Ông lớn' nhà nước: Đầu tư ngàn tỷ rồi lỗ trắng tay
Thành tích ngàn tỷ và nỗi đau tuột dốc