Bằng nhiều hình thức phù hợp với trình độ, nhận thức, phong tục tập quán của người dân, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã từng bước tạo nhiều chuyển biến tích cực trong ý thức tuân thủ pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

lam-dong-1.jpg
Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng tuân thủ chính sách, pháp luật.

Ngay từ đầu năm, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cùng với ban ngành, đoàn thể ở các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện và tuân thủ chính sách, pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những nội dung cơ bản được tuyên truyền bao gồm: Nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ và nhân dân vùng dân tộc thiểu số trước những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và bọn phản động; Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia vào công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Cơ quan Công an tỉnh phối hợp với Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện ở khu vực có đông bà con dân tộc sinh sống.

Trên cơ sở đó, Công an tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật ngay từ khi mới phát sinh, không để kéo dài hoặc xảy ra hậu quả xấu.

Lực lượng chức năng cũng giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, trong các tôn giáo và cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ. Thông qua những người có uy tín để tuyên truyền, vận động tín đồ, bà con và quần chúng nhân dân chủ động phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và các loại tội phạm.

Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các ngành chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền miệng đối với người có uy tín. Tăng cường cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Qua đó, người có uy tín có thêm kiến thức về pháp luật để tuyên truyền lại bằng tiếng dân tộc thiểu số cho cộng đồng dân cư nơi cư trú. Đồng thời, khuyến khích bà con dân tộc thiểu số tìm hiểu, nghiên cứu luật, ứng dụng luật vào cuộc sống hàng ngày, tạo thành thói quen tuân thủ luật pháp. Từ đó giúp cuộc sống văn minh, hiện đại hơn. 

nguoi co uy tin.jpg
Người có uy tín là tuyên truyền viên hiệu quả, giúp đồng bào DTTS tiếp cận pháp luật tốt hơn.

Với học sinh là người dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo… có nhiều chủ trương, hành động cụ thể, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền cho các em.

Ngoài phối hợp tổ chức in ấn và cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật, tờ rơi, báo, tạp chí và lắp đặt pano, băng rôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp với các địa phương, đơn vị, trường học tổ chức các hội thi tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật và đã thu hút đông đảo người dân và học sinh tham gia.

Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng thường xuyên phối hợp với Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cung cấp tin, bài về việc thực hiện các chính sách dân tộc và pháp luật có liên quan. Đẩy mạnh tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của Ban Dân tộc bằng tiếng các dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân truy cập tìm hiểu, lấy thông tin, đảm bảo tính chính xác, kịp thời. 

Các trường nội trú trên địa bàn tỉnh cũng nỗ lực trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh. Từ kiến thức về an toàn giao thông, phòng tránh tệ nạn xã hội, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho đến các vấn đề liên quan đến bạo lực, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới đều được tăng cường về số lượng, đa dạng hóa về hình thức, sinh động về nội dung. Hoạt động này được lồng ghép trong các tiết sinh hoạt, cuộc thi tìm hiểu, sinh hoạt câu lạc bộ...

Thông qua các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, hỏi đáp tình huống pháp luật giả định đã giúp các học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp thu kiến thức về pháp luật. Nhờ các hoạt động bổ ích này, nhiều học sinh đã trở thành các tuyên truyền viên tích cực giúp phổ biến kiến thức pháp luật, Luật Hôn nhân và gia đình đến với gia đình và cộng đồng nơi các em sinh sống; qua đó, góp phần giảm số vụ vi phạm pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là với lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Việc tuyên truyền pháp luật trong trường học góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phổ biến kiến thức pháp luật trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Học sinh không chỉ ý thức, trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ các quy định pháp luật mà còn là lực lượng tuyên truyền viên lớn, tích cực và hiệu quả.

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV