Trong suốt những năm 2010, một nhóm các công ty công nghệ đã đầu tư mạo hiểm để cung cấp các dịch vụ trợ giá cho khách hàng như Uber và Lyft, DoorDash, Postmate. Họ hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, thị phần hấp dẫn và tham vọng thống lĩnh thế giới.

Tuy nhiên, thời kỳ đó đã kết thúc. Nguồn lực giảm, lãi suất tăng đã khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào thua lỗ và phải thay đổi cách thức kinh doanh.

Lạm phát không chỉ tác động lên các ngành hàng, nó còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống công sở của dân văn phòng tại Mỹ.

Theo Derek Thompson (sống tại Washington, D.C., Mỹ), cây viết của tờ The Atlantic, đại dịch qua đi và sự phục hồi kinh tế nhanh chóng đã mang lại lợi ích cho làm việc từ xa (remote work) theo một số khía cạnh khác nhau.

Khi Covid-19 khiến không ít công ty đóng cửa, thị trường lao động bất ổn, nhiều nhân viên cho rằng họ có quyền bỏ việc, đấu tranh để kiếm thêm tiền và từ chối hình thức đi làm truyền thống.

Lạm phát khiến kế hoạch quay lại văn phòng trở nên khó khăn. Ảnh: iStock.

Quay lại văn phòng hoặc nghỉ việc

Nhưng giống như cuộc cách mạng Uber dựa trên một loạt các điều kiện kinh tế thay đổi nhanh chóng, “work from home” cũng có thể nhạy cảm với yếu tố tương tự.

Nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ của một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Lạm phát ở mức cao nhất kỷ lục trong hơn 40 năm qua khiến giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao.

Cục Dự trữ Liên bang (FED) đang cố gắng hạ nhiệt tình hình bằng cách tăng lãi suất ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine làm thắt chặt nguồn cung dầu thô.

Mặc dù có thể đưa đất nước thoát khỏi viễn cảnh tồi tệ, động thái của FED có nguy cơ phá hủy quá nhiều nhu cầu đến mức Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái thật sự trong 1-2 năm tới.

Lãi suất tăng dẫn đến xứ cờ hoa sẽ tạo ra ít nguồn đầu tư hơn, tăng trưởng kém đi, sa thải nhân viên và tỷ lệ thất nghiệp đón nhận xu hướng tiêu cực.

Nhiều nhân viên bỏ việc vì không muốn quay lại hình thức làm việc truyền thống. Ảnh: Insider.

Khi đó, trong tương lai gần, những nhà quản lý có thể giành lại thế thượng phong từ tay nhân viên, vì làn sóng “đại từ chức” (Great Resignation) sẽ trở thành “đại suy giảm lực lượng lao động” (Great Labor Slackening).

Văn hóa công ty sẽ phụ thuộc vào những gì ông chủ muốn xây dựng hơn là nhu cầu của người lao động.

Theo khảo sát của nhà kinh tế học Nicholas Bloom của Đại học Stanford, gần 80% dân công sở nói rằng họ thích làm việc ở nhà ít nhất một ngày/tuần. Nhưng các nhà quản lý e ngại điều đó khiến họ không đo lường được năng suất của cấp dưới.

Từ đó gây nên sự chia rẽ nội bộ sâu sắc, giữa sếp và nhân viên.

Vài tuần trước, Elon Musk đã yêu cầu các nhân viên của mình quay trở lại văn phòng nếu không sẽ mất việc.

Ban đầu, điều này trông giống như một lời đe dọa thẳng thắn từ CEO “lập dị”. Nhưng vài ngày sau, Tesla lại đưa ra thông báo họ có thể sẽ sa thải 10% lực lượng lao động, cho thấy Musk đang sử dụng lời yêu cầu để khiến một số nhân viên tự nghỉ việc mà không cần phải thông báo.

Theo nhà đầu tư Jason Calacanis, một số công ty công nghệ, bao gồm cả Apple đã thử một phiên bản khác của chiến lược sa thải tàng hình này.

Tỷ phú bất động sản Stephen Ross cũng nhìn ra mặt trái của động thái này. Ông nhận định giống như các nhà tuyển dụng sử dụng chính sách quay trở lại văn phòng để thúc đẩy người lao động nghỉ việc thì họ cũng có thể dùng chiêu trò khác để giành được tình cảm của sếp trước khi làn sóng sa thải bắt đầu.

“Nhiều người có phần do dự vì họ không muốn mất nhân viên của mình. Nhưng tôi nghĩ khi rơi vào thời kỳ suy thoái và lo sợ thất nghiệp, mọi người buộc phải trở lại bàn làm việc. Họ sẽ làm bất cứ việc gì để duy trì cuộc sống”, Ross nói với Bloomberg.

Cục diện thay đổi

Theo The Atlantic, hình thức làm việc từ xa không chỉ là sự phát triển kinh tế vĩ mô mà còn là xu hướng văn hóa, vậy nên nó rất nhạy cảm với phản ứng dữ dội.

Ở những công ty không có quy định phức tạp, nhiều người lao động trẻ có thể giải quyết nhiệm vụ tại bất cứ đầu, miễn có kết nối Internet.

Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của bão giá, họ sẽ phải trở lại góc làm việc của mình ở cơ quan. Khi xây dựng các kỹ năng bổ trợ cho nhau, sự hoài nghi về tính hiệu quả của “work from home” có thể hình thành trong cộng đồng Gen Z.

Làm việc tại nhà thách thức với những nhóm nhân khẩu học khác nhau, dẫn đến kết quả không thể đoán trước. Ảnh: Forbes.

Kết hợp với nền tảng công nghệ, Gen Z sẽ tạo ra các video có tính lan truyền về góc nhìn thực tế trong cuộc sống công sở của đồng nghiệp lớn tuổi hơn. Đối với thế hệ Millennials, làm việc tại nhà có thể là điều không tưởng và khó chấp nhận.

Mặc dù vậy, Thompson tin rằng suy thoái kinh tế sẽ không thể dập tắt cuộc cách mạng làm việc từ xa vì 3 lý do.

Đầu tiên, hàng triệu nhân viên yêu thích “work from home” đến mức thêm vào lịch trình hàng ngày của họ. Thứ 2, suy thoái dẫn đến phá sản, đặc biệt là giữa các công ty có cơ cấu chi phí lộn xộn.

Giống như câu nói “tre già măng mọc”, các công ty phụ thuộc vào văn phòng sẽ biến mất để nhường chỗ cho những doanh nghiệp trẻ, có thể thích nghi với hình thức làm việc linh hoạt.

Thứ 3, từ quan điểm toán học thuần túy, điều hợp lý nhất mà một tổ chức truyền thống sẽ làm trong thời kỳ suy thoái kinh tế là cắt giảm chi tiêu cho mọi thứ liên quan đến không gian cố định.

“Giảm diện tích văn phòng và chuyển sang nền tảng online là cách tiết kiệm chi phí nhất”, Adam Ozimek, nhà kinh tế học ủng hộ công việc từ xa, chia sẻ.

Ngoài ra, Thompson còn xét đến yếu tố những việc làm trực tuyến bắt đầu phổ biến trên thị trường khi đại dịch hoành hành. Khi đó, những lao động tri thức có vô số sự lựa chọn cho bản thân.

“Một số nhà tuyển dụng sẽ phản ứng với tình trạng trên bằng kế hoạch quay trở lại văn phòng. Không ít người vui mừng vì 20% nhân viên rời đi. Nhưng những người khác có thể bảo vệ tài năng hàng đầu và sẵn sàng luồn lách để giữ chân họ”, Ozimek nói thêm.

Theo Zing