Chính thực trạng các sản phẩm tự nhận là “hữu cơ tự phong” đã làm giảm sức cạnh tranh của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, người dân làm hữu cơ chân chính; qua đó mất đi giá trị và uy tín của các sản phẩm hữu cơ đối với người tiêu dùng.

Chứng nhận hữu cơ còn nhiều lỗ hổng

Theo thống kê của Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có gần 40 đơn vị được phép cấp Chứng nhận hữu cơ TCVN, 120 tổ chức được cấp phép đánh giá hữu cơ phù hợp từ các tổ chức trên thế giới. Bên cạnh 160 đơn vị nói trên xuất hiện tình trạng nhiều tổ chức tự phát cũng cấp phép chứng nhận hữu cơ (nhưng chưa đăng ký) gây nhầm lẫn.

Chính sự lạm phát các đơn vị chứng nhận và kiểm định hữu cơ này dẫn tới tình trạng rất nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dù chưa đủ tiêu chuẩn cũng nhận được chứng nhận hữu cơ nhưng theo kiểu “tự phong”. Việc lạm phát các giấy chứng nhận này khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận các sản phẩm được chứng nhận, đẩy giá trị của những nông sản có uy tín đi xuống.

53 htx huu co tu phong.jpg
Lạm phát tình trạng chứng nhận hữu cơ tự phong...

Nhìn nhận thực tế đáng buồn này dưới góc độ cấp phép chứng nhận, ông Lê Quý Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Quản lý chứng nhận Control Union cho rằng, trong quá trình hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu nông sản, thực phẩm cho thấy, có những đơn vị có chứng nhận hữu cơ nhưng nguồn gốc của chứng nhận như thế nào, quy trình được chứng nhận và quản lý chứng nhận ra sao vẫn chưa rõ ràng do thiếu những cơ sở pháp lý quy định.

Theo ông Bình, trong sản xuất kinh doanh nông sản hiện nay, chứng nhận hữu cơ như tấm “hộ chiếu” hay thẻ bài để các sản phẩm nông sản tiến ra thị trường trong và ngoài nước. Do đó, việc cấp phép đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp, các HTX được công nhận có chứng nhận hữu cơ là điều quan trọng. Tuy nhiên, vì điều kiện cấp phép chưa có sự thống nhất khiến tình trạng chứng nhận hữu cơ cho nhiều đơn vị, mặt hàng một cách tràn lan, từ đó làm giảm uy tín cho các đơn vị sản xuất nói riêng, cho cả ngành hàng nông nghiệp nói chung.

Việt Nam cần tiến theo các chuẩn mực quốc tế

Nói về kinh nghiệm các nước trong việc quản lý và kiểm soát các đơn vị cấp phép chứng nhận hữu cơ, ông Lê Quý Hòa Bình cho rằng, các nước trên thế giới kiểm soát chứng nhận hữu cơ rất chặt nên họ phải chịu sự kiểm soát rất chặt của đơn vị quản lý. Cụ thể, bất cứ đơn vị nào muốn sản phẩm của mình được công nhận hữu cơ thì phải có logo, có mã code để kiểm tra. Nếu cơ quan quản lý kiểm tra định kỳ mà sai sẽ bị phạt đến 11.000 USD. Việc kiểm soát và cấp phép chứng nhận bị giám sát chặt chẽ theo hướng hậu kiểm và kiểm tra chéo nhau giữa các trung tâm, do đó không có tình trạng bán chứng nhận hay cấp chứng nhận dưới chuẩn.

Về phía các cơ quan quản lý, các trung tâm được cấp phép chứng nhận hữu cơ chịu sự giám sát không chỉ của Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại mà còn có 1 cơ quan độc lập giám sát và cấp mã từng giấy chứng nhận. Do đó, không bao giờ xảy ra hiện tượng giấy chứng nhận hữu cơ được trao nhầm cho các đơn vị, doanh nghiệp hay HTX chưa đủ tiêu chuẩn, trong khi điều này ở Việt Nam chưa làm được. Chính hạn chế này đang khiến nông nghiệp hữu cơ Việt Nam không được quốc tế đánh giá cao. 

Ngoài lạm phát việc cấp chứng nhận hữu cơ từ các trung tâm trong nước, tình trạng các tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế vào Việt Nam mà không có sự thông báo, không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước cũng rất báo động. Chính tình trạng trăm hoa đua nở trong chứng nhận hữu cơ khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận khi thấy sản phẩm nào cũng được công nhận hữu cơ, nhưng giá trị thực sự của những chứng nhận đó tới đâu lại là một dấu hỏi lớn. Đơn cử chứng nhận hữu cơ organic (hoạt động đánh giá, phân tích, kiểm chứng độ sạch và an toàn của sản phẩm thực phẩm sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ của quốc gia hay thế giới).

Dù đây là chứng nhận nhằm kiểm chứng độ an toàn, độ sạch của thực phẩm, hay mỹ phẩm. Mỗi tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ (USDA, EU Organic…) đều phải trải qua các vòng kiểm định hết sức khắt khe, thế nhưng chỉ cần bạn vào các siêu thị hay quầy thuốc sẽ thấy, hầu hết các sản phẩm tự nhận là “sạch”, đều được dán nhãn chứng nhận hữu cơ organic trong khi thực chất ra sao lại rất khó phân biệt. Trong khi đó, theo Nghị định 98 về khuyến khích phát triển HTX, liên kết sản xuất, Nghị định 57 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… thì các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ đang trở thành xu thế tất yếu và được coi là sự bảo tín cho sản phẩm.

“Tại Thông tư 16/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ cho thấy, các tổ chức chứng nhận hữu cơ phải đăng ký và phải cấp mã mới được thực hiện chứng nhận trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay ngoài 40 tổ chức đánh giá đã đăng ký còn hàng tram đơn vị chứng nhận hữu cơ vẫn đang hoạt động không phép. Trong khi đó, không phải chứng nhận hữu cơ nào của Việt Nam cũng được quốc tế công nhận và các chứng nhận hữu cơ cũng được thay đổi liên tục nên các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản, thực phẩm cần hết sức lưu ý vấn đề này”, ông Lê Quý Hòa Bình lưu ý.

“Từ 1/1/2023, các doanh nghiệp, HTX Việt Nam muốn xuất hàng hóa sang châu Âu phải có chứng nhận hữu cơ theo quy định mới. Trong đó những nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất bắt buộc phải có pháp nhân - tức là phải được chứng nhận thông qua HTX. Do đó, nếu không siết lại việc cấp phép chứng nhận hữu cơ, các HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ gặp khó trong thời gian tới. Nguy hại hơn, rất có thể các HTX sẽ không thể có sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu đi châu Âu”, ông Lê Quý Hòa Bình cảnh báo.

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV