Phát biểu của CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thưa đồng bào và cử tri cả nước,

Thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, xuất phát từ tình hình thực tế và thống kê việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và lĩnh vực kiểm sát để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên chất vấn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với sự tham gia của Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tòa án cấp cao, tòa án quân sự và nhiều đại biểu có liên quan. Phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu trước phiên chất vấn. 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Ngành tòa án và ngành kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đối với ngành Tòa án, Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong thời gian qua, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp (so với cùng kỳ của 05 năm trước, số lượng các vụ án phải giải quyết tăng 507.849 vụ, đặc biệt năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29.944 vụ so với năm trước), trong khi số lượng biên chế được giao không tăng thêm, chất lượng biên chế còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân, chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên; tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp; hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật; công tác tổng kết thực tiễn xét xử tiếp tục được tăng cường cả về phương thức thực hiện cũng như về chất lượng; công tác phát triển án lệ được chú trọng ban hành; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội được tích cực triển khai thực hiện… Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi lên là: vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; các phản ánh vướng mắc gửi về Tòa án nhân dân tối cao còn chậm; một số vấn đề cần ban hành quy phạm pháp luật có nội dung chuyên sâu, phức tạp hoặc thực tiễn chưa phát sinh còn chưa kịp thời; quy trình lựa chọn và phát triển án lệ vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, số lượng án lệ được ban hành trong một số lĩnh vực còn ít; việc đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ còn nhiều hạn chế…

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở nhìn thẳng vào các hạn chế, tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành, trong đó tập trung chất vấn các nhóm vấn đề sau: (1) Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; (2) Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án. (3) Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ. (4) Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.
 
Đối với ngành kiểm sát nhân dân, với hoạt động đặc thù thực hiện nhiệm vụ thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra, ngành kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành ngày càng tốt hơn trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Hơn 10 năm qua với khối lượng công việc phải thực hiện tăng lên gấp đôi (như: lĩnh vực hình sự tăng khoảng 10%/năm, lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại tăng khoảng 10%-12%/năm, có năm tăng đến 15%...), yêu cầu pháp luật ngày càng cao, biên chế, chế độ, chính sách, cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng với phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, Kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, “Liêm chính, vượt khó, chuyên nghiệp”, toàn ngành kiểm sát đã thực hiện nhiệm vụ khá toàn diện trên tất cả các mặt: từ đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng công tác cán bộ cho đến việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp về hình sự, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính, việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cũng được chú trọng nâng cao về chất lượng… Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: còn xảy ra một số trường hợp tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; đình chỉ vụ án, đình chỉ quyết định khởi tố bị can do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; có trường hợp Viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; trong hoạt động cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn còn tình trạng tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố vụ án hình sự…

Do đó, để khắc phục được những hạn chế, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn vào những nhóm vấn đề sau: (1) Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. (2) Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. (3) Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện Kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát. (4) Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thời gian chất vấn chỉ trong 1 ngày, nội dung chất vấn cả 2 lĩnh vực đều có phạm vi rộng, bao quát hầu hết chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ quan; do đó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không nên đi sâu vào các vụ án chi tiết cụ thể, tranh luận một cách thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao để góp phần làm rõ thực trạng và đề xuất được các giải pháp phù hợp, hữu hiệu và khả thi. Mỗi chất vấn không quá 1 phút; thời gian tranh luận không quá 2 phút (đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn và tranh luận qua app Quốc hội). Các trưởng ngành với kinh nghiệm nghị trường cũng như công tác lâu năm trong lĩnh vực phụ trách, cố gắng trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Trong quá trình chất vấn, Chủ tọa sẽ mời thêm một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm vấn đề chất vấn. Với tinh thần xây dựng, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, phiên chất vấn lần này là dịp để các trưởng ngành cung cấp đến công chúng, cử tri những thông tin chính thống về kết quả công tác của ngành mình. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.

Tôi tin tưởng rằng, qua phiên chất vấn hôm nay sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn mới; nhất là phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành cơ bản mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” như Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII đã xác định.

Sau đây, xin mời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.