Đo thời lượng nói của bạn
Bạn có thể tự hỏi bản thân: “Tôi có nói át mọi người không?”. Thử đếm số lần bạn nêu ý kiến sau mỗi cuộc họp. Ví dụ: “Mình đã nhận xét dự án 3 lần và đề xuất thay đổi 2 lần”. Sẽ không có một tiêu chuẩn nào về số lần hay thời lượng cần nêu ý kiến của mỗi công việc. Nhưng nếu cảm thấy thời lượng nói của mình đang nhiều hơn mọi người cộng lại, trong khi mình không phải người trình bày chính, hoặc mình không được mọi người hỏi ý kiến mang tính tổng hợp, bạn cần học cách nghe nhiều hơn nói.
Bạn cũng có thể thử đặt ra quy luật này cho bản thân: “Mình sẽ đợi 2 người phát biểu trước, hoặc chỉ khi không ai phát biểu”; thậm chí khó hơn: bạn có thể bấm giờ khi nói, và giới hạn mỗi lần phát biểu không quá 3 phút.
Học cách phát biểu súc tích
Bạn có thể là người giàu sáng tạo và luôn bùng nổ ý tưởng để chia sẻ cho mọi người. Tuy nhiên, mô tả những ý tưởng một cách lan man thì hại nhiều hơn lợi, khiến mọi người thấy bạn không có khả năng tập trung và chuẩn bị. Bạn cần tìm cách nói cô đọng và tập trung hơn để người khác thấy ý kiến của bạn đáng lắng nghe.
Theo đó, bạn có thể “note” sẵn những ý tưởng và cập nhật chúng hàng ngày cho đến khi bạn thấy đã tương đối đủ để chia sẻ với mọi người trong cuộc họp hoặc qua email; Thử ghi ra những ý tưởng đó với số lượng ký tự giới hạn: Bạn sẽ nói gì khi bạn chỉ được nói từng đó từ? Rút ngắn thông điệp nhưng vẫn đảm bảo bản chất và các thông tin chính.
Bạn cũng nên lên dàn ý (vài gạch đầu dòng) trước khi định đưa ra thảo luận trong cuộc họp. Như vậy những điều bạn nói sẽ không thừa không thiếu và tránh đi lan man.
Bên cạnh đó bạn cần cố gắng cắt bỏ những chuyện không liên quan đến đề tài bạn muốn chia sẻ. Kể cả nếu bạn định kể một yếu tố hài hước để gây chú ý, thì cũng tiết giảm để tránh lấn vào thời lượng của nội dung chính.
Học cách lắng nghe
Bạn cũng cần lưu ý thời gian để các đồng nghiệp kịp ‘thẩm thấu’ những gì bạn nói và đặt câu hỏi. Còn nếu bạn nói liên tục, rất có thể người ta định phản hồi rồi quên mất, hoặc đơn giản là mất hứng thú.
Sau khi nói xong một ý lớn, bạn có thể dừng lại 3 giây để lấy hơi, cũng là để mọi người thấy khoảng nghỉ và bạn có thể hỏi xem có ai cần giải thích thêm. Chính phương pháp này giúp bạn khỏi đắm chìm vào màn độc thoại, cũng như giúp người khác nắm bắt bài phát biểu của bạn tốt hơn. Khi bạn nhận được phản hồi của họ, bạn có thêm thông tin, còn họ thấy rằng được tham gia cuộc họp một cách đúng nghĩa và trân trọng thời gian với bạn hơn.
“Hỏi ý kiến người thân”
Đây là cách đơn giản để biết mọi người đang nghĩ sao về cách bạn chia sẻ tại cuộc họp. Bạn có thể hỏi đồng nghiệp mà bạn tin tưởng hoặc bạn tin rằng họ khách quan. Bạn cũng có thể hỏi kinh nghiệm của họ để tự “hãm phanh” khi phát biểu nơi đông người.
Mặt khác, khi thấy một số đồng nghiệp có phong cách phát biểu khiến người khác lắng nghe hoặc chào đón, hãy xem bí quyết của họ là gì và thử ứng dụng với bản thân.
Mục tiêu của bạn không phải là chia sẻ quan điểm cho đã, mà là chia sẻ và được mọi người công nhận. Càng tuyệt hơn nếu mọi người áp dụng ý tưởng của bạn.
(Nguồn CareerBuilder)